Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa

(THTG) Sáng ngày 23-11, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Nam kỳ khởi nghĩa (xã Long Hưng, huyện Châu Thành), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTTQ Việt nam tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2020).

Đến dự lễ có bà Nguyễn Thị Hoài Thu – nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Danh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang; ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; bà Châu Thị Mỹ Phương – Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang; ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự còn có các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành tỉnh, huyện Châu Thành, xã Long Hưng; đại diện các gia đình có công trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 và nhân dân địa phương tham dự.

vlcsnap-2020-11-23-14h48m20s684

vlcsnap-2020-11-23-14h54m18s224

vlcsnap-2020-11-23-15h13m59s278

vlcsnap-2020-11-23-14h55m21s871

Quang cảnh trang trọng của buổi lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa tại Tiền Giang. Ảnh: Việt Bình

Cách đây 80 năm, rạng sáng ngày 23/11/1940, khi được lệnh khởi nghĩa, lực lượng khởi nghĩa từ xóm Dựa xã Long Hưng kéo ra lộ Đông Dương phối hợp du kích và quần chúng các xã xung quanh đánh đồn Cầu Đúc Long Định. Sau hơn 1 giờ nổ súng, quân khởi nghĩa thu 2 súng lửa, phía lực lượng của ta có 2 chiến sĩ hy sinh và 16 chiến sĩ bị thương. Sau đó, quân khởi nghĩa chia làm 2 cánh: một kéo về xã Long Hưng, một kéo về xã Long Định, chuyển thương binh về căn cứ rừng Ba U. Trong ngày 23/11/1940, quần chúng các địa phương khác của tỉnh Mỹ Tho cũng nổi dậy chiến đấu rất dũng cảm. Từ ngày 23-11 đến 30-11-1940, trên địa bàn Tiền Giang có 75/124 xã giành quyền làm chủ. Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập và đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân lao động trực tiếp tham gia luận tội những tên tay sai bán nước hại dân đã thể hiện tính dân chủ của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong khí thế hào hùng của cách mạng, lần đầu tiên trên cả nước, danh xưng “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” rạng rỡ, sáng ngời trên tấm biểu ngữ treo trước cửa đình Long Hưng – nơi đặt trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Cũng lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh chính thức xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho. Trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng, lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay đầy kiêu hãnh dưới trời tự do.

vlcsnap-2020-11-23-15h08m48s336 

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu về việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT – XH trong nhiệm kỳ qua. Ảnh: Việt Bình

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Tiền Giang anh hùng, trong nhiệm kỳ qua hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được chú trọng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

vlcsnap-2020-11-23-15h18m57s260

Bà Nguyễn Thị Uyên Trang – Bí thư tỉnh toàn Tiền Giang đại diện tuổi trẻ tỉnh nhà phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Bình

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, tuổi trẻ tỉnh nhà cũng nguyện tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, thế hệ hôm nay nguyện tiếp nối các thế hệ đi trước, tinh thần cùa cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ sẽ là động lực cho thế hệ hôm nay phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống anh hùng quê hương Nam kỳ khởi nghĩa.

80 năm trôi qua nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sự dũng cảm bất khuất của nhân dân Tiền Giang. Đây là tiền đề để Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, của doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế vùng, hội nhập quốc tế; giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thành tựu mà cuộc khởi nghĩa 1940 ở Tiền Giang để lại cho dân tộc ta là vô giá! Cuộc khởi nghĩa để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân Tiền Giang nói riêng, toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Nhân dân ta càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự tất thắng của cách mạng Việt Nam.

Mạnh Cường