Tiền Giang quản lý chặt chẽ bệnh dại trên đàn chó, mèo
(THTG) Trước tình hình bệnh dại trên chó, mèo và trên người đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành nước ta, nhất là thời tiết đang ở cao điểm nắng nóng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ngành chăn nuôi thú y tăng cường công tác giám sát, quản lí chặt chẽ bệnh dại và khuyến cáo, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó mèo, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi. Ảnh: Lê Thi
Sở phối hợp với UBND huyện Gò Công Tây chọn xã Bình Nhì phát động “mô hình điểm phòng chống bệnh dại năm 2024” với sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh cùng với sự tham gia thực hiện tiêm phòng của lực lượng sinh viên tình nguyện Trường cao đẳng Nam bộ. Trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 13.4, sẽ tiến hành tiêm phòng vacxin dại cho 100% chó mèo ở tất cả 3 ấp của xã. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi chó mèo nhận diện các dấu hiệu chó mèo nhiễm bệnh dại để xử lí phù hợp, đúng quy định nhằm giảm đến mức thấp nhất trường hợp vật nuôi nhiễm dại cắn hoặc cào xước, truyền virus dại cho người.
Toàn tỉnh hiện có gần 80.000 con chó và sở thích nuôi chó làm thú cưng cũng đang có xu hướng tăng trong dân. Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thì UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 660 về phòng chống bệnh dại trên chó mèo đến năm 2030 với các quy định về quản lí đàn chó, tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 80% và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về việc nuôi chó mèo bắt buộc phải tiêm vacxin phòng bệnh dại.
Trong năm 2023 cả nước có 82 người tử vong do nhiễm bệnh dại và tính từ đầu năm 2024 đến nay đã có 19 người. Quan ngại nhất là hiện diễn biến bệnh dại trên đàn chó có xu hướng tăng, đang là mối nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Mặc dù 10 năm trở lại, tỉnh Tiền Giang chưa xuất hiện ổ dịch dại trên chó hoặc người tử vong do bệnh dại, song trước sự cực kỳ nguy hiểm của bệnh dại, nhất là hiện nay chưa có thuốc đặc trị thì việc xây dựng mô hình điểm phòng chống bệnh dại như ở xã Bình Nhì rất cần thiết. Từ kết quả bước đầu tích cực của mô hình, Chi cục chăn nuôi và thú y sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp quản lí, kiểm soát chặt chẽ bệnh dại trên đàn chó nuôi để tiến tới xây dựng “vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại”, làm cơ sở nhân rộng kinh nghiệm ra các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.