Tiền Giang tăng cường bảo vệ các tuyến đê sông và đê biển trong mùa mưa
(THTG) Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hệ thống đê ngăn mặn, triều cường ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang có vai trò rất quan trọng, góp phần ngăn mặn, triều cường trước tình hình thiên tai bão lũ, để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân. Theo số liệu thống kê, hệ thống đê biển của Tiền Giang dài trên 21 km, đê cửa sông trên 47 km và đê sông trên 100 km. Hệ thống đê này chịu được các cơn bão có sức gió từ cấp 9 trở xuống.
Đê biển Gò Công. Ảnh: Anh Tuấn
Tuy nhiên hiện nay, có 2 vấn đề đang ảnh hưởng đến các công trình đê biển và đê sông ở khu vực phía Đông, đó là tình trạng xâm hại của con người và xâm thực của tự nhiên.
Những năm qua, tình hình vi phạm đến phạm vi bảo vệ đê biển và đê ven sông trong vùng ngọt hóa Gò Công vẫn còn diễn ra, do việc cấm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ đê điều còn gặp khó khăn do phạm vi bảo vệ đê điều tại nhiều địa phương đã cấp quyền sử dụng đất đến sát chân đê; tình trạng xe quá tải lưu thông gây hư hỏng mặt đê; người dân đào ao nuôi tôm, cất chuồng chăn nuôi, xây dựng nhà ở vi phạm đến phạm vi bảo vệ đê.
Qua công tác tuyên truyền, nhắc nhỡ cũng như xử lý của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, thì tình trạng xâm hại của người dân đã từng bước giảm dần. Đồng thời qua vận động, nhiều trường hợp đã tự nguyện tháo dở công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đê.
Tình trạng xâm thực tuyến đê sông Cửu Tiểu, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Anh Tuấn
Bên cạnh các hành vi xâm hại từ phía con người, thì do tình hình biến đổi khí hậu, công với sự tác động trực tiếp từ các dòng chảy…nên thời gian gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển …trở nên nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.
Đối với tuyến đê biển, thời gian gần đây, hệ thống rừng phòng hộ bị thu hẹp một cách nhanh chóng, do vậy, tuyến đê bị xâm thực mạnh hơn. Vì vậy, ngành chức năng đang tích cực triển khai công trình kè bảo vệ đê. Đến nay, đã hoàn chỉnh trên 5 ngàn 200 mét kè đê biển, đoạn xung yếu và cứng hóa mặt đê trên 2500 mét, hiện đang khẩn trương thi công kè với chiều dài trên 530 mét.
Thi công bảo vệ tuyến đê biển. Ảnh: Anh Tuấn
Hiện nay, tại phía tả đoạn đê sông Cửa Tiểu, khu vực xã Phước Trung huyện Gò Công Đông, tình hình sạt lở đang diễn biến khá phức tạp. Tại đây đã xuất hiện 3 đoạn sạt lở lớn và ngành chức năng đang tích cực xử lý.
Đối với hệ thống đê sông, theo số liệu của ngành chuyên môn, năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý trên 100 điểm sạt lở với chiều dài trên 4600 mét. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2017, tình hình sạt lở trên đê sông ở khu vực phía Đông đang ngày càng phức tạp, với qui mô và mức độ sạt lở lớn hơn.
Hiện tại, nhiều khu vực sạt lở tới sát nhà dân, tình hình rất nguy hiểm, tuy nhiên do không có điều kiện, nên dù nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê và trước hiểm họa sạt lở rình rập, nhưng một số hộ vẫn chưa thể di dời đi nơi khác.
Sạt lở đê ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Ảnh: Anh Tuấn
Để giải quyết tình trạng này, Hạt Bảo vệ đê và Rừng phòng hộ tỉnh Tiền Giang đang triển khai phương án trồng cây chắn sóng bên ngoài để bảo vệ hệ thống đê sông, tuy nhiên do người dân còn e ngại nên chưa triển khai thực hiện đồng bộ.
Thi công bảo vệ tuyến đê sông bị sạt lở. Ảnh: Anh Tuấn
Biến đổi khí hậu và vấn đề nước biển dâng là vấn đề đã được dự báo, hiện tượng này sẽ gây tổn thương nhiều nhất cho các vùng đất thấp ven biển, trong đó có khu vực Gò Công, vì vậy việc bảo vệ vững chắc các tuyến đê biển, đê ven sông khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Bởi hệ thống đê này sẽ góp phần bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân trước những diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay.
Tiến Lực
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.