Tiền Giang thúc đẩy tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc
(THTG) Mặc dù dịch Covid 19 đã được kiểm soát từ khá lâu, xuất khẩu thông quan trở lại, song việc tiêu thụ nhất là xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc vẫn chưa khởi sắc lại như xưa do cạnh tranh khốc liệt với các chủng loại trái cây đặc sản khác. Trong khi đó, xoài cát Hòa Lộc là đặc sản tự hào của quê hương Cái Bè nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ về tiêu thụ, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của loại trái cây này.
Đóng gói xoài cát Hòa Lộc. ảnh: Minh Trí
Cùng với diện tích trồng rải rác tại các huyện, thị khác, Sở đã xây dựng vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc với khoảng 1.000 ha tại 13 xã của huyện Cái Bè, đạt sản lượng khoảng 24.000 tấn/năm. Đặc biệt, hiện nông dân trồng xoài các xã Hòa Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Hữu còn mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ sinh học, áp dụng công nghệ cao trong các khâu như: tưới nước nhỏ giọt và phun thuốc, bón phân bằng máy. Trong đó có 32 ha xoài cát Hòa Lộc đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt GAP và diện tích này sẽ được đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Về thị trường xuất khẩu, thì từ năm 2009, xoài cát Hòa Lộc đã xuất được sang thị trường Nhật Bản và đến nay đã có mặt ở các thị trường như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Newzeland và Trung Quốc với tỷ lệ xuất khẩu đạt khoảng 12% trên tổng sản lượng. Một sản lượng lớn còn lại thường được tiêu thụ nội địa nên giá cả không ổn định. Vì vậy, mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh là tăng cường liên kết để tăng sản lượng xuất khẩu lên khoảng 60% vào năm 2025.
Để tăng sức cạnh tranh của xoài cát Hòa Lộc trên thị trường trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp tỉnh đang bảo tồn cây đầu dòng, nhân giống chất lượng cao, tăng tính rặt để mở rộng vùng trồng xoài cát Hòa Lộc nguyên liệu, đồng thời tiến hành cấp mã số vùng trồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt là kêu gọi doanh nghiệp phối hợp với nông dân xây dựng các mô hình “sản xuất gắn với tiêu thụ” để cân đối cung cầu, nhất là chủ động sản xuất rải vụ, hạn chế tình trạng thu hoạch rộ, cung vượt cầu./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.