Tiền Giang tổng kết công tác phòng chống thiên tai
(THTG) Ngày 26-12, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) tỉnh Tiền Giang tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai và TKCN năm 2019 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh và ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã đến dự và chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai tỉnh Tiền Giang năm 2019. Ảnh: Minh Nguyên
Trong năm 2019, tình hình thiên tai như bão, ấp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhưng các loại hình thiên tai khác như: triều cường, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, kênh, rạch… thường xảy ra, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Theo số liệu thống kê, năm 2019 toàn tỉnh có 10 cơn lốc xoáy xảy ra trên địa bàn các huyên Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Tx.Gò Công, Tp.Mỹ Tho, làm thiệt hại 436 căn nhà, sập 25 kiot, ngã các trụ điện hạ thế, sóng viễn thông,…, ước tổng thiệt hại khoảng 11,925 tỷ đồng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 104 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 4.974m, ước tổng kinh phí xử lý 61.049 triệu đồng.
Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, với sự chủ động, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang và địa phương, đặc biệt là sự chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Bên cạnh đó, tỉnh đã ưu tiên đầu tư các công trình chống sạt lở, triều cường, đầu tư mới các công phục vụ tưới tiêu, đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước, với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyên
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đề ra các giải pháp nhằm phòng chống thiên tai ở từng vùng, từng địa phương, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 – 2020 ở khu vực Tiền Giang sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn mùa khô 2015 – 2016. Độ mặn lớn nhất mùa khô năm 2020 có khả năng xuất hiện vào khoảng cuối tháng 2, trung tuần tháng 3 năm 2020.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Minh Nguyên
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Tiền Giang đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và các lực lượng vũ trang cần tiếp tục chủ động phối hợp phòng chống thiên tai, nâng cao hệ thống ban chỉ huy, nhất là đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; quyết tâm bảo vệ cơ bản vườn cây ăn trái; kiểm tra lại các cống đập xung yếu; các khu tránh trú bão, neo đậu cho tàu, thuyền; khuyến cáo người dân xuống giống theo lịch cắt vụ; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân trong chủ động phòng chống thiên tai đạt kết quả cao.
Hồng Tuyến
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.