Tiền Giang triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục các ngành hàng thiếu yếu

(THTG) Chiều ngày 15-9, UBND tỉnh Tiền Giang tổ  chức hội nghị trực tuyến 3 cấp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đánh giá công tác phòng chống dịch và triển khai các giải pháp để khôi phục và mở cửa trở lại các ngành hàng thiết yếu theo từng giai đoạn, từ sau ngày 15/9/2021.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị.

UBND hop Covid 4

UBND hop Covid 3

UBND hop Covid 5

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Lê Thi

Tính đến ngày 14/9/2021, tỉnh Tiền Giang ghi nhận trên 12.400 bệnh nhân mắc Covid-19; trong đó đã điều trị khỏi trên 9.000 ca; tử vong 311 ca; hiện đang điều trị trên 3.084 ca. Ngoài ra, các cơ sở cách ly tập trung đang cách ly trên 1.200 trường hợp F1 và theo dõi sức khoẻ y tế cách ly tại nhà là 1.220 trường hợp F1. Thực hiện chiến lược xét nghiệm cộng đồng, từ ngày 18/8 đến ngày 14/9, toàn tỉnh ghi nhận trên 2.400 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Hội nghị đã triển khai Công văn 5275 UBND tỉnh Tiền Giang về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 00 giờ ngày 16/9/2021 đến hết ngày 20/9/2021 đối với thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành và áp dụng Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước, huyện Cái Bè, huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông từ 00 giờ ngày 16/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

UBND hop Covid 2

UBND hop Covid 7

UBND hop Covid 6

Đại biểu phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Lê Thi

Trên cơ sở đó, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang  yêu cầu các địa phương tiếp tục siết chặt hơn nữa tác phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt lưu ý tiến độ thực hiện các phần việc, gắn với mốc thời gian từ nay đến ngày 20-9 và 30/9/2021. Cụ thể, cần có chiến lược xét nghiệm rõ ràng, chủ động phát hiện sớm các trường hợp F0, cách ly ngay, khoanh vùng dập dịch; cần tập trung, đảm bảo tiến độ công tác tiêm chủng.  Triển khai các trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, nhất là ở những nơi nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, khu vực đông dân cư; chuẩn bị cho điều kiện bình thường mới cho những vùng đã kiểm soát được dịch bệnh, trong đó xây dựng chi tiết kế hoạch chống dịch và khôi phục, mở cửa trở lại các ngành hàng thiết yếu, theo từng giai đoạn từ sau ngày 15/9/2021.

Ong Vinh 2

Ong Vinh

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Lê Thi

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các biệp pháp nhằm khống chế, dập các ổ dịch từ nay đến ngày 20-9 và đến 30-9 hoàn thành các chỉ tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Riêng đối với 03 địa phương là Thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể đối với Thành phố Mỹ Tho quản lý chặt sự di chuyển của người dân từ giữa các vùng nguy cơ, đặc biệt cần phong tỏa chặt và tiếp tục xét nghiệm rộng tại phường 2, phường 3, phường 8; tiếp tục triển khai chiến dịch tầm soát cộng đồng lần 3 và tăng cường kiểm tra, giám sát người dân tuân thủ giãn cách, nhà nào ở nhà đó.

Đối với 6 đơn vị huyện Châu Thành gồm: Thị trấn Tân Hiệp, xã Tân Hương, Tân Lý Tây, Tân Lý Đông, Vĩnh Kim, Thân Cửu Nghĩa; và 3 xã Long Bình Điền, Đăng Hưng Phước, Lương Hòa Lạc của huyện Chợ Gạo, cần tập trung khống chế, dập các ổ dịch trong cộng đồng.

Đối với huyện Gò Công Đông phải xử lý dứt điểm ổ dịch tại thị trấn Vàm Láng và xã Tân Điền. Các huyện còn lại thực hiện khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện ca nghi nhiễm trên địa bàn… Giám sát chặt chẽ và tầm soát định kỳ các đối tượng nguy cơ cao như tài xế, người buôn bán trong chợ, cửa hàng, siêu thị, người giao hàng.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu chậm nhất đến ngày 20-9 phải hoàn thành việc thành lập các trạm y tế lưu động, nhất là ở những nơi nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, khu vực đông dân cư, đồng thời lưu ý đối với các huyện, thị thực hiện Chỉ thị 15 và đang xem xét mở dần các hoạt động thì phải hết sức cân nhắc, thận trọng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu  tập trung nhanh nhất cho công tác tiêm vắc xin tại các địa phương; tiếp tục duy trì, tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động tại các chốt, trạm kiểm soát, trong đó đặc biệt lưu ý việc tổ chức, bố trí, sắp xếp, điều chỉnh các chốt phù hợp tình hình, thực tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Trọng Hiếu