Tiền Giang triển khai các giải pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn mùa khô 2020
(THTG) Chiều ngày 11-12, tại thành phố Mỹ Tho, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp bàn giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo, hiện tại mực nước đầu nguồn sông Tiền đang ở mức thấp, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông MêKong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, nên dự báo tình trạng khô, hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trên địa bàn tỉnh trong mùa khô 2020 sẽ cao và nghiêm trọng.
Quang cảnh hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống hạn mặn mùa khô 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lê Thi
Từ thực trạng này, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất cho hơn 58.650 hecta lúa đông xuân, hơn 9.400 hecta hoa màu và khoảng 81.300 hecta cây ăn trái, ngành nông nghiệp đề xuất phương án phòng chống hạn, mặn trong mùa khô năm nay như sau: Đối với vùng dự án ngọt hoá Gò Công, tuỳ theo diễn biến thực tế có thể áp dụng các giải pháp như: Khuyến cáo cắt vụ lúa Đông Xuân nếu xuống giống sau 15/12/2010; xây dựng các trạm bơm dã chiến trên kênh cấp 1; khơi thông kênh thuỷ lợi, sử dụng nước tiết kiệm… Ngoài ra, cần tiến hành sửa chữa các cống, nhằm bảo đảm ngăn mặn triệt để, tập trung nhân lực tổ chức vận hành lấy nước qua các cống, chuẩn bị các vị trí đặt thuyền bơm chống hạn để bơm cấp nước cho các khu vực cuối nguồn, xử lí kịp thời các công trình ngăn mặn của UBND các huyện, thị xã và của Cty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi, các địa phương huy động máy bơm, tổ chức bơm chuyền 2,3 cấp, vận hành lấy ngọt qua cống Xuân Hoà, Rạch Chợ khi độ mặn cho phép.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Thi
Đối với vùng dự án Bảo Định, giải pháp chủ yếu là tập trung khơi thông kênh thuỷ lợi, trục vớt lục bình, vận hành lấy nước cống Bảo Định và phối hợp với tỉnh Long An vận hành công trình hợp lí, chủ động máy bơm chuyền 2,3 cấp.
Đối với vùng kiểm soát lũ, cần kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước và độ mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn để chủ động đắp đập ngăn mặn kịp thời và tận dụng các ô bao chống lũ để giữ nước ngọt cho phía trong đê.
Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các ngành liên quan cùng các địa phương phải quyết liệt quyết liệt trong công tác chống hạn, xâm nhập mặn nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất nếu có sự cố xảy ra. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành chuyên môn xây dựng công việc cụ thể, thời gian rõ ràng, nhiệm vụ từng người, từng đơn vị trực thuộc. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành có liên quan đến khảo sát và xử lý ngay các kiến nghị của từng địa phương cho công tác chống hạn, xâm nhập mặn; làm việc với tỉnh Long An về phương án đắp các đập ngăn mặn phía Long An để bảo vệ diện tích lúa, cây ăn trái trong nội đồng của 2 tỉnh. Riêng các huyện, thị phía Tây của tỉnh quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ vườn cây ăn trái; trong đó, địa phương mua máy đo độ mặn và thường xuyên đo để cảnh báo cho người dân.
Riêng đối với số diện tích khoảng 10.000 hecta lúa Đông Xuân 2019-2020, thuộc vùng dự án ngọt hóa Gò Công, xuống giống sau ngày 15/12/2019, trễ lịch thời vụ đã được Sở Nông nghiệp ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền nông dân cắt vụ, nhằm tránh thiệt hại, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cho nông dân cắt vụ trên tinh thần Nghị quyết cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã được thực hiện từ năm 2017.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo các Sở ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn trong mùa khô 2020. Ảnh: Lê Thi
Cùng với bảo đảm nguồn nước ngọt đủ phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tiền Giang sẵn sàng thực hiện các giải pháp khẩn cấp, nhằm cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân như: khoan cấp tốc một số giếng công nghiệp xung quanh nhà máy nước Đồng Tâm, khôi phục lại các giếng khoan cũ, hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho người dân, thậm chí chuẩn bị trữ nước sạch trên kênh Sáu Ầu – Xoài Hột sẵn sàng cung cấp cho nhà máy nước Đồng Tâm. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hộ gia đình chủ động trữ nước sạch ngay từ bây giờ để bảo đảm đủ nước sinh hoạt, vượt qua mùa khô năm 2020 dự báo sẽ khắc nghiệt hơn cả năm 2016.
Kim Nữ – Nguyễn Phong
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.