Tiền Giang triển khai xây dựng chính quyền số
(THTG) Ngày 15-10, dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, UBND Tiền Giang tổ chức triển khai các nội dung nhằm xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng đề án Chính quyền số giai đoạn 2019 – 2030 định hướng đến năm 2045. Theo đó, đề án gồm các giai đoạn: Giai đoạn 2019 – 2021: giai đoạn thí điểm; Giai đoạn 2021 – 2025: Giai đoạn số hóa; Giai đoạn 2025 – 2030: Giai đoạn số hóa và tích hợp; Giai đoạn 2030 – 2045: Giai đoạn tiến tới Chính quyền thông minh.
Quang cảnh hội nghị triển khai xây dựng chính quyền số. Ảnh: Đoàn Vũ
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang thực hiện giai đoạn thí điểm, trong đó Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề xuất ưu tiên triển khai 3 ứng dụng gồm: tổng đài dịch vụ công 1022 tiếp nhận phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Ứng dụng thứ hai là hệ thống tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, trong đó người dân sẽ tương tác tiếp cận với chính quyền thông qua App, kiến nghị phản ánh trên phần mềm di động trên 5 lĩnh vực gồm: an ninh, trật tự an toàn giao thông; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; công thương; văn hóa thể thao và du lịch. Ứng dụng thứ ba là mô hình trung tâm giám sát, điều phối thông tin đô thị thông minh và chính quyền số với các nội dung như: giám sát thông tin trên các trang báo mạng đang vận hành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; giám sát sự vận hành hệ thống camera an ninh…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích nêu rõ những thuận lợi, cùng những tồn tại khó khăn trên trên một số lĩnh vực, nội dung của ngành khi đưa vào mô hình Chính quyền số,trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực, việc đồng bộ hóa các phần mềm.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Vũ
Phát biểu tại lễ triển khai, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ, việc xây dựng Chính quyền số trên địa bàn tỉnh là việc làm mới, mang tính kỹ thuật cao, do đó cần phải thay đổi trong nhận thức và hành động, đặc biệt là sản phẩm tạo ra phải mạng lại hiệu quả, tiện ích cho công đồng. Ông đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông cần hệ thống, xây dựng mô hình hoàn chỉnh cho Đề án; tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó chú trọng đối tượng là lực lượng đoàn viện, các đoàn thể trong việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính trong nhân dân, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Trọng Hiếu
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.