Tiền Giang trưng bày Tài liệu lưu trữ lịch sử qua các thời kỳ

(THTG) Ngày 24 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 2194 về việc phê duyệt chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ Quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”, nhằm mục đích công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia, phát huy hiệu quả giá trị tài liệu, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã  hội của đất nước, của từng ngành, từng địa phương, vùng miền; giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử  dân tộc cho các thế hệ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Thực hiện theo quyết định định của thủ tướng chính phủ, ngày 25 tháng 7 năm 2022, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch 243 về việc thực hiện chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Lưu trữ lịch sử tỉnh, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tiền Giang” giai đoạn 2022 – 2030.

Năm 2024, việc trưng bày tài liệu đã được triển khai thực hiện đúng theo yêu cầu quyết định của Thủ tướng và thực tế lưu trữ tại tỉnh. Đây là những tài liệu tiêu biểu, đảm bảo tính lịch sử, khoa học, trung thực, chính xác, tin cậy cao về nội dung và hình thức. Việc trưng  cũng đảm bảo theo tiến độ của kế hoạch,  tiết kiệm, hiệu quả.

 Tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Tiền Giang

Nơi trưng bày “Công bố tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh” năm 2024  tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Tiền Giang số 01, đường 6B Khu dân cư Hùng Vương, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho. Gồm 4 khu chính.

Khu 1: Giới thiệu những tài liệu Tiền Giang trong tiến trình mở cõi về phương Nam.

Khu này có 6 “bản mộc” được in ấn và tạm dịch ra từ chữ nôm trong tiến trình mở cõi về phương Nam gồm:

– Năm 1679, chúa Nguyễn cho phép các tổng binh vào khai phá vùng đất phương Nam

– Năm 1689 Mai Vạn Long kéo quân đến cửa biển Mỹ Tho.

– Năm 1772, chúa Nguyễn chỉ dụ quan biên thần Gia Định lập đạo Trường Đồn ở xứ Mỹ Tho.  

– Năm1784, Tây Sơn Nguyễn Huệ đem binh thuyền vào Gia Định, đánh bại quân Xiêm tại Rạch Gầm -Xoài Mút .

– Năm 1832, vua Minh Mệnh cho đổi đơn vị “trấn” thành đơn vị “tỉnh”. Tỉnh Định Tường nay là Tiền Giang.

– Năm 1833, vua Minh Mạng chia đặt vùng đất phía Nam thành 6 tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh) gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Khu 2: Những tài liệu về thời phong kiến, pháp thuộc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Tiền Giang.

– Bản đồ Nam kỳ lục tỉnh năm 1861 và Nam kỳ năm 1868

– Bản đồ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công năm 1907

– Bản đồ tỉnh Định Tường năm 1963

– Sắc lệnh số 18 và 73 năm 1968 của Thủ tướng Chính phủ.

– Hình ảnh Ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương, khánh thành năm 1881.

– Xe bọc thép của địch bị phá hủy trong trận Ấp Bắc ngày 02/01/1963

– Quân giải phóng tiến vào cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

– Tờ lịch ngày 30/4/1975

Bên cạnh đó, là các văn bản thành lập tỉnh Tiền Giang  và  các huyện của tỉnh.

Khu 3: Giới thiệu hồ sơ đi B của tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công

– Gồm những kỷ vật của các cán bộ đi B là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, từ cuối năm 1959. Đó là những tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ, gọi là “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B”. Trong mỗi hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân: Sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có rất nhiều các loại kỷ vật của cán bộ như Huân chương, Huy chương, Giấy khen, Bằng khen, nhật ký, sổ tay…và những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của cán bộ.

Khu 4: Gồm các tài liệu chữ hán thời phong kiến và một số hình ảnh, tư liệu giới thiệu các di tích lịch sử được công nhận trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

– Điền bộ của thôn Tuyên Thạnh, thôn Phú Thượng, thôn Bình An của tổng Hưng Long, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường năm 1936.

– Điền bộ của thôn Tường Khánh, thôn Thân Hòa Tây, thôn Bình An Đông của tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường năm 1862.

– Điền bộ của thôn Thanh Hưng, tổng Phong Phú, huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường năm 1867

– Đinh bộ của thôn Trường Thạnh, tổng Hưng Long, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường năm 1862.

– Đơn xin khai khẩn, cải chánh điền thổ của dân thôn An Bình Đông, Hậu Thành, tổng Phong Hòa, huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường năm 1877 và 1880.

Bên cạnh đó, là một số hình ảnh và tư liệu giới thiệu các di tích lịch sử được công nhận trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Khu di tích lăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định; di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút; chiến thắng Ấp Bắc; Lăng mộ Hoàng gia; chùa Vĩnh Tràng; đình Điều Hòa.

Trưng bày công bố tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ đã hoàn tất trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua và sẵn sàng mở cửa đón tiếp trong giờ hành chánh để giới thiệu đến nhân dân tỉnh nhà về nguồn sử liệu có giá trị đến sự hình thành và phát triển tỉnh Tiền Giang qua các thời kỳ.  Từ đó, phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang; giáo dục truyền thống cho các thế hệ, giữ gìn ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

                                                   Bá Thủy