Tiền Giang xây dựng 110 chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp

(THTG) Để thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thích ứng với từng tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19, từ nay đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang chủ động xây dựng 110 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, khó tiêu thụ.

vlcsnap-2020-02-10-08h51m35s481

vlcsnap-2020-02-10-09h00m42s547

Sơ chế và đóng gói thanh long ruột đỏ tại HTX Mỹ Tịnh An. Ảnh: Lê Thi

Trong đó, có từ 30 đến 40 chuỗi rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương trong bối cảnh vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp vừa phòng chống dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp với giá trị tăng thêm từ 3%-3,5%/năm đến năm 2025.

Các chuỗi liên kết này sẽ được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ liên kết sản xuất; được hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; được hỗ trợ bao bì nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất,…

Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt hiệu quả cao như: chuỗi rau công nghệ cao ở các huyện phía Đông, chuỗi trái cây ở các huyện phía Tây, chuỗi liên kết sản xuất lúa 4.0,…Trong mùa dịch Covid 19 vừa qua, các chuỗi liên kết này chủ động được sản xuất và sản phẩm được bao tiêu nên bảo đảm được nguồn thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội./

Kim Nữ