Tiếng cười nhẹ nhàng trên phim màn ảnh nhỏ

Khán giả truyền hình được đổi khẩu vị với những câu chuyện giản dị, ấm áp, tiếng cười nhẹ nhàng cùng nhiều thông điệp ý nghĩa trong các bộ phim phát sóng trong dịp Tết này

Phim truyền hình mùa Tết năm nay không còn nở rộ với thực đơn đa dạng, phong phú như mọi năm. Dù ít ỏi nhưng khán giả quan tâm phim Tết đều có thể tìm cho mình một bộ phim phù hợp để thưởng thức.

Ít nhưng chất lượng

Mở đầu mùa phim Tết trên màn ảnh nhỏ là bộ phim ca nhạc tâm lý tình cảm hài “Cô Thắm về làng” (đạo diễn: Lê Hướng Nam, phát sóng trên HTV2 từ ngày 16-1). Phim kể về chuyến hồi hương của cô Thắm để ngăn cản đám cưới em gái mới 18 tuổi vì bị cha mẹ ép gả. Từ đó, hàng loạt sự cố bất ngờ, hài hước, dở khóc dở cười xảy đến với Thắm. Phim không chỉ mang đến không khí tươi vui bằng nội dung gần gũi, mộc mạc, thắm đượm tình quê và nét văn hóa đặc trưng ngày Tết cổ truyền dân tộc mà còn thú vị nhờ lồng ghép khéo léo 12 bản nhạc trữ tình thân quen.

Cảnh trong phim “Cưới chồng cho vợ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Cảnh trong phim “Cưới chồng cho vợ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

 

Nhan Phúc Vinh và Tường Vi trong phim “Cô Thắm về làng” (Ảnh do HTV2 cung cấp)
Nhan Phúc Vinh và Tường Vi trong phim “Cô Thắm về làng” (Ảnh do HTV2 cung cấp)

“Cưới chồng cho vợ” (M&T Pictures sản xuất, đạo diễn: Lê Lộc, phát sóng mùng 4 Tết trên HTV7) cũng mang đến những tiếng cười vui vẻ đầu Xuân với nhiều tình huống vui nhộn nhưng không kém phần sâu lắng. Phim kể về người anh tên Đại đi “mua vợ” cho mình nhưng rao “bán” lại người khác với giá gấp đôi. Thấy vậy, người em trai đi làm kiếm tiền chuộc lại chị dâu. Thực chất, Đại muốn cưới vợ cho em trai và toàn bộ kế hoạch “mua vợ” là muốn thay đổi tính tình ăn chơi của em trai mình. Phim khắc họa tình nghĩa anh em trong gia đình đầy xúc động và phê phán nhiều người sử dụng tiền bạc để mưu cầu tình yêu.

Trên VTV3 Tết này có phim rất đáng xem là “Lời nói dối ngọt ngào” (đạo diễn: NSƯT Vũ Hồng Sơn, phát sóng từ ngày 5-2). Lời nói dối bắt nguồn từ lý do Đỗ Vượng, một đạo diễn trẻ, bất ngờ nghe tin bố anh sắp bán mảnh vườn trồng đào vào đúng thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, với hy vọng con trai sẽ sớm kết hôn. Anh liền gặp gỡ và nhờ cậy một cô gái trẻ tên Minh giúp đỡ, nói dối làm người yêu dẫn về quê ra mắt để ngăn chặn vụ bán đất. Phim xoay quanh những lời nói dối với mục đích mang lại điều tốt đẹp, bình tâm và niềm vui cho người thân một cách nhẹ nhàng, hài hước, nhiều cảm xúc.

“Quý tử bất đắc dĩ” (đạo diễn: Trần Ngọc Giàu, phát sóng từ mùng 5 Tết trên kênh THVL1) và “Tía ơi” (đạo diễn: Xuân Phước, phát sóng từ mùng 10 tháng giêng trên kênh THVL1) là 2 bản phim truyền hình được dựng lại từ phim điện ảnh cùng tên đã công chiếu dịp Tết các năm trước. Từ 90 phút trên màn ảnh rộng, đạo diễn Trần Ngọc Giàu và Xuân Phước mở rộng câu chuyện với nhiều tình tiết đầy đặn hơn. Thông qua câu chuyện về những người con giành quyền nuôi cha chỉ vì tham tài sản trong “Tía ơi” hay hành trình tìm kiếm con trai thất lạc trong ““Quý tử bất đắc dĩ”, phim chuyển tải thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Cả 2 phim đều có sự tham gia của nghệ sĩ Hoài Linh.

Bớt hài nhảm

Số lượng phim truyền hình Tết năm nay ít do nhiều đơn vị sản xuất không mặn mà. Giải thích điều này, một số nhà sản xuất cho biết vì năm qua phim truyền hình tiếp tục chịu sự cạnh tranh khốc liệt, làm phim Tết khó mời được tài trợ, quảng cáo nên dẫn đến khả năng thu hồi vốn thấp.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất lớn như M&T Pictures vẫn đều đặn làm phim Tết. “Chúng tôi có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn kịch bản và năm nào cũng chủ động lên kế hoạch làm phim Tết từ rất sớm. Riêng phần kinh phí sản xuất, hãng cũng phải bù qua sớt lại, lấy chỗ này đắp chỗ kia để làm chứ không thể bỏ phim Tết được” – đại diện nhà sản xuất M&T Pictures cho biết.

Nói đến phim Tết, nhiều người nghĩ ngay đến phim hài với việc gom hàng loạt diễn viên hài. Song, mùa phim Tết năm nay, các nhà sản xuất chủ trương không cần tập trung quá nhiều vào yếu tố hài mà chú trọng đến không khí Tết ấm cúng, thoải mái, tiếng cười nhẹ nhàng.

Nhà biên kịch Chu Hồng Vân của phim “Lời nói dối ngọt ngào” cho biết: “Trong phim, chúng tôi có đề cập những Việt kiều xa xứ để khán giả thấy được cuộc sống của họ, tâm hồn của họ luôn hướng về quê hương. Kịch bản xây dựng kỹ lưỡng, có thông điệp với mục đích tạo nên câu chuyện ấm áp, sảng khoái cho khán giả ngày Xuân, chứ không đánh mạnh vào tiếng cười dễ dãi, nội dung nhảm nhí”.

Dễ thấy các phim hài khác như “Cô Thắm về làng”, “Cưới chồng cho vợ”… cũng không chủ trương làm theo kiểu “lẩu ngôi sao” – tức là gom nhiều diễn viên hài trong một phim để hút khách. Rất nhiều người không phải diễn viên hài đã đóng vai chính trong mùa phim Tết năm nay như Nhan Phúc Vinh, Tường Vi, Hòa Hiệp, Trương Quỳnh Anh… Các diễn viên hài như Hoàng Sơn, Thanh Thủy, Long đẹp trai… chỉ đóng vai phụ để tạo thêm tiếng cười.

Thực tế cho thấy dù có sự tham gia của những ngôi sao tên tuổi đi nữa nhưng nếu nội dung hời hợt, tấu hài nhạt nhẽo thì phim cũng không thu hút khán giả. Hy vọng với sự thay đổi này, phim Tết năm nay sẽ khiến khán giả bớt nhàm chán.

Báo NLĐ