Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân, tránh tình trạng chủ quan.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 18h ngày 12/9, áp thấp nhiệt đới gần bờ đã mạnh lên thành bão số 4 (có tên quốc tế là RAI). Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi sáng ngày 13/9, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Hồi 4h ngày 13/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Dự báo trong 6-12h tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) sáng 13/9 còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Hiện nay, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên nhưng còn ở mức thấp. Tuy nhiên, dự báo, mực nước trên các sông ở khu vực này tiếp tục lên. Đến chiều 13/9, mực nước trên các sông có khả năng như sau: sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 7m (trên Báo động 1 0,5m); sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 6,7m (trên báo động 1 0,5m); sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 5m (ở mức Báo động 2). Sông Vệ tại trạm sông Vệ lên mức 4m (trên báo động 2 0,5m); sông ở Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 1 và trên mức báo động 1; các sông ở Quảng Trị sẽ lên nhưng còn dưới báo động 1.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương về tình hình thiệt hại, tính đến 6h ngày 13/9, tại Quảng Ngãi có 2 tàu/6 lao động mắc cạn tại cửa Đại (hồi 12h30 ngày 12/9). Hiện nay, 6 lao động đã được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ an toàn.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, ngoài việc cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng, các địa phương cần tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại những nơi bão đã đi qua, chủ động huy động lực lượng, phương tiện giúp dân ổn định đời sống. Bên cạnh đó, kiểm tra an toàn hồ đập, các công trình đang thi công, nhất là công trình trên sông, ven biển để sẵn sàng các phương án triển khai ứng phó. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả./.
ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.