Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

Ngày 4-1, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
_bac8776_pkrx
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: VGP

Kết quả năm 2021 phải cao hơn năm 2020

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng xác định thông điệp của năm 2021 là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn chỉ tiêu khoảng 6% do Quốc hội giao).

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó, nghị quyết nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Cùng với đó là chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp về tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không. “Chính phủ quyết tâm năm 2021 phải hơn năm 2020 cả về mục tiêu, kết quả. Tất cả những thành tựu năm nay phải tốt hơn năm trước”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Sẽ tính toán kỹ lưỡng gói hỗ trợ kinh tế thứ hai

Về việc Chính phủ có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai trong năm 2021 không, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm 2021. Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế phải nghiên cứu chi tiết, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của năm 2021. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực, cách thức triển khai các giải pháp. Bộ KH-ĐT sẽ căn cứ trên thực tiễn tình hình nền kinh tế bị ảnh hưởng để tính toán, báo cáo Chính phủ cụ thể. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết chưa đủ thông tin quyết định thời điểm nào mở cửa giao thương vận tải hành khách với thế giới, bởi dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, chưa rõ hiệu quả của vaccine…

Theo ông Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn cho phép mở các chuyến bay thương mại bình thường để đưa chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư, doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư kinh doanh, vận hành quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Người Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn lao động, kết thúc hợp đồng; người cao tuổi; trẻ em có bệnh nền; người gặp khó khăn thì Chính phủ có chính sách hỗ trợ về nước, nhất là trong dịp tết này nhưng phải thực hiện tốt tinh thần phòng chống dịch, không để Covid-19 lây trong cộng đồng.

Năm 2021, Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là trọng tâm cho phát triển đất nước, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt bỏ những rào cản gây khó khăn, mất thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo quyết giải ngân sớm vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm, vì cứ 1% vốn đầu tư công giải ngân giúp tăng trưởng 0,06% GDP.

Nguồn SGGP