Tiểu vùng sông Mekong- “nàng công chúa” cần được đánh thức tiềm năng
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong được đánh giá là “nàng công chúa ngủ quên cuối cùng trên thế giới” đang chờ được đánh thức tiềm năng phát triển.
Đây là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý tại cuộc họp báo quốc tế ngày 19/10 tại Hà Nội để giới thiệu về Hội nghị cấp cao 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Aeawady- Chao Praya- Mekong (AMECS) lần thứ 7 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF-Mekong) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Tiềm năng đa dạng đang chờ được khai thác
Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh, khu vực Tiểu vùng sông Mekong có ưu thế rất lớn về nguồn lực con người, nhất là các lao động trẻ có khả năng đáp ứng như cầu về tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, khu vực này cũng rất dồi dào tài nguyên thiên nhiên và chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt quan trọng và rất phù hợp để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, 4 trong 5 nước tiểu vùng sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam gia nhập ASEAN sau và có nền kinh tế chậm phát triển hơn so với các nước khác trong khối.
Để ASEAN có thể giàu mạnh, vấn đề then chốt là cần phải thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối và trong nội bộ các nước nói trên một cách bền vững và lâu dài thông qua việc tăng cường liên kết giữa các quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng đã được các quốc gia bàn thảo từ vài thập niên trước và sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể tìm ra được một câu trả lời thỏa đáng.
Khu vực tiểu vùng sông Mekong là nơi kết nối khu vực ASEAN với 2 nền kinh tế mới nổi thuộc dạng lớn nhất trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng liên tục duy trì trên mức 7%/năm.
Chính vì nhu cầu kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, tại khu vực tiểu vùng sông Mekong đã có rất nhiều cơ chế hợp tác, bao gồm những cơ chế hợp tác “lõi” như CLV, CLMV hay ACMES và mở rộng ra là giữa các nước tiểu vùng Mekong với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Thế giới ngày càng quan tâm đầu tư vào khu vực bởi họ nhận thấy những tiềm năng “chưa được đánh thức”. Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của những nước tiểu vùng sông Mekong luôn duy trì ở mức cao, trong đó, Lào, Campuchia và Thái Lan là ở mức 7% còn Myanmar đang mở cửa và phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, hợp tác du lịch được coi là “điểm sáng” trong khu vực với thông điệp “5 nước 1 điểm đến” với mục tiêu liên kết lại để cùng tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn đối với du khách trong và ngoài khu vực.
Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng đang tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch và công nghệ cao trong bối cảnh nền nông nghiệp tại các quốc gia trong khu vực chưa được công nghiệp hóa nhiều. Hợp tác về năng lượng- nhất là thủy điện cũng được các nước quan tâm để đảm bảo khai thác và sử dụng bền vững và bảo vệ môi trường.
Việt Nam nỗ lực tổ chức thành công ACMES 7, CLMV8 và WEF-Mekong
Với tinh thần chủ động tích cực trong hội nhập quốc tế, Việt Nam rất quan tâm đến những cơ chế hội nhập trong tiểu vùng- hình thức hội nhập trực tiếp nhất, thiết thân nhất với Việt Nam.
Việt Nam cũng nỗ lực đầu tư vào giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hợp tác tiểu vùng sông Mekong ngày càng đi vào thực chất hơn.
Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, do tính chất bổ sung cho nhau của 2 Hội nghị lớn của khu vực là CLMV 7 và ACMES 8, 2 Hội nghị này sẽ được tổ chức trong 1 ngày với nhiều cuộc hội thảo quan trọng bàn về khả năng thúc đẩy kết nối, tăng cường năng lực và định hình tương lai của khu vực.
Trong khi đó, Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ thu hút khoảng 100 tập đoàn và các công ty thành viên của WEF và 60 tập đoàn và các công ty trong khu vực để tìm hiểu và đánh thức tiềm năng của “nàng công chúa ngủ trong rừng cuối cùng của thế giới”- khu vực tiểu vùng sông Mekong.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.