Tìm giải pháp chống sạt lở cho ĐBSCL

Sáng 6-6, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN- PTNN phối hợp với Cục phòng chống thiện tai tổ chức Hội thảo “Kiểm soát sạt lở ĐBSCL -thách thức và giải pháp”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cùng lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, các viện, trường, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

ĐBSCL có diện tích hơn 3,9 triệu ha, có địa chất rất phức tạp, trầm tích bở rời có chiều dày khá lớn, tình hình xói lở rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện ĐBSCL có gần 400 điểm sạt lở, 150 khu vực bồi lắng trong giai đoạn từ đầu và cuối mùa lũ với chiều dài trên 450km. Đồng thời hiện tượng sạt lở còn diễn ra vào mùa khô tại các sông, kênh rạch lớn. Trong khi đó, các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang… hiện đang bị xói lở khá nặng nề, khiến các công trình giao thông, khu dân cư bị uy hiếp.

Theo thống kê của Cục phòng chống thiên tai, trong thời gian qua nguyên nhân chủ yếu gây xói lở bờ sông, biển là do hiện tượng tự nhiên địa chất và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong, việc quản lý chưa tốt hành vi xâm chiếm bãi, lòng sông để xây công trình và nhà ở. Ngoài ra nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở ở nhiều địa phương.

Một vụ sạt lở bờ sông tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào sáng 26-5 vừa qua. Ảnh: HUY PHONG

Để  tìm ra giải pháp khắc phục và phòng chống tình trạng xói lở tại ĐBSCL hiện nay, ông Tăng Quốc Chính, Cục phó Cục phòng chống thiên tai kiến nghị các địa phương cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông và toàn bộ dải ven biển, tăng cường quản lý việc xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang ven sông, biển.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng khẳng định, ĐBSCL cần nghiên cứu đề xuất các quy định về thể chế, chính sách trong công tác phòng chống xói lở mới, phải có giải pháp phòng chống hiệu quả và bền vững nhưng tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

Nguồn SGGP