Tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch rất đặc sắc. Tuy nhiên, sự phát triển ngành du lịch nơi đây vẫn chưa đạt được kết quả xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Với các sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch tìm hiểu di tích di sản và văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp cộng đồng, hiện nay, đang phát triển du lịch MICE. Với các sản phẩm du lịch độc đáo như Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Bà chúa xứ núi Sam, Núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư, Đồng Tháp Mười, mũi Cà Mau, Cồn Thới Sơn: Long – Lân – Quy – Phụng, đờn ca tài tử, đua bò Bảy núi, đua ghe ngo và nhiều sản phẩm khác không kém phần hấp dẫn để phục vụ du khách.
Tiềm năng lớn, song vùng du lịch này vẫn chưa có được sức tăng trưởng vượt bậc một trong những nguyên nhân được nhiều đại biểu chỉ ra chính là do vấn đề rác thải và giao thông.
Ông Đặng Văn Tiến, nguyên phó tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Tôi từng khuyên anh em đừng đưa khách đi tham quan khi con nước xuống vì sẽ lộ ra rất nhiều rác”.
Bản thân ông Tiến từng phải tìm cách thoái thác với khách nước ngoài chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng, vì hoạt động giao lưu buôn bán ở đây đã khác xưa, đường bộ và các siêu thị được ưa chuộng hơn.
Với những thực trạng trên, các đại biểu đều cho rằng địa phương cần nâng cấp và xây mới các điểm du lịch, bên cạnh việc mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp khai thác tiềm năng du lịch ĐBSCL.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhấn mạnh du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm (farmstay) là con đường nhanh nhất để người dân vùng ĐBSCL thoát nghèo và đem lại ấn tượng khó quên cho du khách.
Tại hội nghị, ông Trần Việt Phường- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khẳng định, Ban lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội nghị để tham mưu cho UBND các địa phương, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL sâu rộng, đa dạng hơn; nâng cao chất lượng video clip quảng bá về thời lượng, bố cục, nội dung; có giải pháp đồng bộ cho vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là phát triển du lịch đường sông…
Hệ thống giao thông sẽ thuận tiện hơn trong tương lai, sắp tới, cầu Vàm Cống sẽ thông xe trong tháng 6 tới, kết nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Bên cạnh đó, đến cuối tháng 5-2019, sân bay Cần Thơ sẽ mở thêm các đường bay mới đi Thái Lan, Malaysia, Vinh, Thanh Hoá, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt… tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách đến với ĐBSCL.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.