Nắng nóng vượt 40°C, cảnh báo thiệt hại trong chăn nuôi
Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, chiều 2-7, nhiều nơi đã có nắng nóng 38-39°C, có nơi ngoài trời lên tới 40-41°C.
Các chủ trang trại chăn nuôi heo rất lo lắng bị cúp điện đột ngột khi nắng nóng
Nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ với nền nhiệt độ lúc 13 giờ ngày 2-7 phổ biến ở khoảng 35-38°C, có nơi nhiệt độ cao như: Hòa Bình 38,3°C, Bắc Ninh 38,2°C, đường Láng (Hà Nội) 38,5°C, Hưng Yên 38,4°C, Hà Nam 38,8°C, TP Thanh Hóa 39°C, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 39,6°C, Tây Hiếu (Nghệ An) 39°C…
Anh Nguyễn Văn Sơn, một chủ trang trại heo khoảng 1.420 con, nuôi gia công theo hợp đồng cho một công ty của Thái Lan, đặt tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết, sáng 2-7, trước tình hình nắng nóng kéo dài, vợ chồng anh phải cấp tốc mua thêm 2 máy phát điện để dự phòng trường hợp bị cúp điện đột ngột do nắng nóng. “Khi nhiệt độ lên cao, chúng tôi phải tăng công suất máy điều hòa, máy làm mát chuồng trại, quạt hơi nước và bơm nước tắm rửa cho heo liên tục. Chỉ cần mất điện một ngày, heo sẽ lăn ra chết hàng loạt” – anh Sơn cho biết. Các năm trước đã từng xảy ra tình trạng heo bị chết do mất điện, tuy nhiên năm nay rất may không lặp lại, nhưng để chắc ăn, anh Sơn vẫn phải dự phòng máy phát điện và dự trữ sẵn xăng dầu.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do nắng nóng nên nhu cầu và sản lượng điện tăng cao đột biến, nhất là từ ngày 22-6 đến nay. Chẳng hạn như ngày 22-6 vừa qua, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đạt gần 711 triệu kWh – cao nhất trong lịch sử, vượt xa so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2017 (ngày 9-8-2017 là 642 triệu kWh). Nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã khiến công suất đỉnh toàn hệ thống và sản lượng điện tiêu thụ đều vượt xa những con số kỷ lục của hệ thống điện năm 2017. Lý do là vì nắng nóng nên việc sử dụng điều hòa và các thiết bị làm mát tăng rất cao. Vì vậy, EVN đề nghị người dân cần sử dụng điện tiết kiệm để tránh nguy cơ đầy tải, quá tải, gây mất an toàn hệ thống điện.
Chủ động bảo vệ gia súc, gia cầm
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Tống Xuân Chinh lo lắng, ngay cả trong điều kiện không bị mất điện, khi trời nắng nóng, gia súc rất dễ bị sút cân, mất sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh về tiêu hóa. Theo ông Chinh, thực tế đã có những trang trại cả đàn heo bị chết vì mất điện. Vì vậy, cục đề nghị bà con cần chuẩn bị máy phát, máy nổ để đề phòng mất điện. Mặc dù đến ngày 2-7, vẫn chưa có địa phương nào thông báo bị thiệt hại vì nắng nóng, nhưng ông Chinh cho biết, nắng nóng như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhất định tới ngành chăn nuôi, không chỉ đối với heo mà trâu, bò chăn thả cũng bị ảnh hưởng.
Đối với chăn nuôi heo, ông Chinh cho biết, hầu hết các trang trại lớn đều có hệ thống làm mát nhưng với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có hệ thống làm mát thì cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương. Đối với trâu, bò chăn thả, cần bổ sung nước và muối để tăng cường sức đề kháng. Lường trước diễn biến của thời tiết, Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi các địa phương đề nghị thông báo, hướng dẫn cho bà con và các chủ trang trại chủ động ứng phó với nắng nóng cho gia súc, gia cầm. Các địa phương tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đào ao tích nước cho gia súc; hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi, gia súc, gia cầm… Những ngày nắng nóng, cần tăng cường thức ăn tinh, hỗn hợp vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; tăng cường khẩu phần ăn xanh (như rau cỏ tươi, củ quả và các loại vitamin); tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm; nếu có điều kiện thì lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cung cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nắng nóng không ảnh hưởng nhiều tới lĩnh vực trồng trọt nên bà con có thể tranh thủ làm đất vì rơm rạ đang phân hủy nhanh; cần giữ nước mặt ruộng nhưng không nên bón nhiều đạm khi trời nắng nóng, vì có thể làm chết cây non.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.