Tinh hoa Việt trong lòng nước Nga

Những tinh hoa của văn hóa Việt Nam sẽ được giới thiệu đến người dân nước Nga trong thời gian tới.

Những ngày Văn hóa Việt Nam tại thành phố Moscow và Volgograd, Liên bang Nga sẽ diễn ra từ ngày 4-12/ 6. Đây là dịp để văn hóa Việt Nam thêm một lần nữa đến với người dân Nga và kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại xứ sở Bạch Dương.

Thêm một lần nữa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với công chúng Nga (Trong ảnh: Tiết mục trong buổi tổng duyệt chương trình)

Điểm nhấn của Những ngày Văn hóa Việt Nam tại nước Nga là Chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống Việt Nam và Triển lãm tranh lụa Việt Nam.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc, truyền thống do các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (nhóm nghệ sỹ múa và các ca sỹ) và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Dàn nhạc dân tộc Việt Nam) tham gia trình diễn. Ngoài chương trình biểu diễn Khai mạc diễn ra tại Thủ đô Moscow, đoàn còn biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa- Thương mại Hà Nội- Moscow Insentra. Sau đó, đoàn sẽ biểu diễn tại Nhà hát Sarisynskayay Opera (thành phố Volgograd).

NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam- Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật cho biết: “Tất cả các điệu múa, bài hát, làn điệu âm nhạc đều phản ánh cuộc sống, con người Việt Nam tư xưa tới nay và có những đặc trưng của nhiều vùng, miền trong cả nước. Bên cạnh đó, tinh hoa văn hóa Việt được giới thiệu đến công chúng Nga cũng như kiều bào với những tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc độc đáo như Nhị, đàn bầu, đàn Cây tre, đàn T’rưng…Hơn nữa, để thể hiện sự gắn bó, giao lưu văn hóa, tình cảm hữu nghị giữa hai quốc gia, chúng ta cũng đem đến nước bạn những tiết mục trình diễn các ca khúc của Nga”.

Tiết mục độc tấu đàn Cây tre

Chương trình biểu diễn nghệ thuật Khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga 2016 sẽ có những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, mở màn là tiết mục hát Văn: Thăng Long địa linh nhân liệt; độc tấu Nhị: Kể chuyện ngày mùa; hát Trống cơm; múa: Hồn Gió Việt; độc tấu đàn bầu: Vì miền nam; đơn ca: Người con gái sông Lô; hòa tấu: Chiều Matxcova; múa: Suối mơ; độc tấu sáo  trúc: Nhớ về Nam; độc tấu đàn Cây tre: Âm vang núi rừng Mùa xuân; song tấu T’rưng: Tây nguyên chào mặt trời; bài hát Nga: Nước Nga tổ quốc tôi; hòa tấu: Kalinka và kết thúc là màn hát múa, dàn nhạc dân tộc biểu diễn ca khúc Một thoáng quê hương.

Theo ông Phạm Anh Phương nhận xét: “Đây đều là những tiết mục nghệ thuật có chất lượng cao, được các nghệ sỹ tập luyện cẩn thận. Chúng tôi xác định, Nga là đất nước có nền nghệ thuật rất phát triển, có trình độ thưởng thức nghệ thuật cao nên các tiết mục nghệ thuật của ta cũng được chúng tôi lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện được tinh hoa của nghệ thuật Việt Nam qua chiều dài lịch sử”.

Các tiết mục biểu diễn trong Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga được lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện được tinh hoa của nghệ thuật Việt Nam qua chiều dài lịch sử

Cùng với những tiết mục nghệ thuật độc đáo, tranh lụa Việt Nam sẽ lần đầu tiên được giới thiệu
một cách quy mô, bài bản tại nước Nga trong Triển lãm tranh lụa Việt Nam.

Khán giả Liên bang Nga sẽ có cơ hội tìm hiểu và chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh lụa Việt Nam qua bộ sưu tập 35 bức tranh của các tác giả, họa sỹ là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bộ sưu tập tranh là những tác phẩm thể hiện nét đẹp tinh xảo của nền mỹ thuật Việt Nam.

Vẻ đẹp của chất liệu có trong lụa khác hẳn với các chất liệu có trong sơn mài, sơn dầu nên trong lĩnh vực hội họa, tranh lụa là loại tranh duy nhất được gọi tên theo đặc tính của chất liệu làm nền tranh chứ không theo chất liệu vẽ lên trên nền đó. Có thể nói, nền lụa là một trong những chất liệu hội họa đặc thù và độc đáo.

Lụa dùng để vẽ ở Việt Nam thường sử dụng lụa tơ tằm, có loại sợi mướt, nhỏ mịn, có loại thô mộc tạo nên những thớ khỏe khoắn, sù sì. Mỗi loại lụa sẽ mang lại một hiệu quả khác nhau khi vẽ do độ ken dày mỏng của thớ lụa. Trước kia, nhiều vùng nông thôn dệt vải thủ công để phục vụ sinh hoạt, trong đó có một loại gọi là vải sồi, dệt bằng tơ tằm thô, khổ hẹp dùng để may áo, làm bao ruột tượng. Sồi cũng được một số họa sĩ thử nghiệm vẽ, có một số nét mới lạ.

Hiện nay, loại lụa mà các họa sĩ thường dùng để vẽ là lụa được dệt hoàn toàn bằng tơ tằm nên độ bền chắc và thấm màu rất tốt.

Người vẽ cũng có thể thể hiện trên lụa mọi kỹ xảo của bút pháp, từ nét bút đanh cứng đến mờ ảo, từ mảng màu đậm chắc đến loang nhòe, từ độ đậm nhạt, thanh nhẹ đến đằm sâu, tạo được muôn vàn hòa sắc rực rỡ, thắm sâu, biến ảo. Chất liệu lụa cũng đem lại cho họa sĩ nhiều lợi thế trong việc biểu đạt mọi cung bậc cảm xúc thẩm mỹ.

Màu vẽ để vẽ lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực nho. Theo dân gian, màu vẽ trên lụa được chế từ những sản phẩm thiên nhiên, có sẵn và dễ kiếm, như màu đen từ tro than lá tre, màu xanh từ lá chàm, màu vàng từ nướchoa hòe (giã nhỏ hoa và lọc lấy nước cốt) hoặc từ cây gỗ vang, trắng từ điệp tán nhỏ. Những màu từ thiên nhiên này rất bền, sắc độ đằm chín tự nhiên nhưng kém phần tươi tắn so với màu nước hiện đại.

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Nghệ thuật đặt màu lên lụa cũng hết sức tinh tế vì khi lụa đã ngấm màu thì không thể nào làm cho chúng sáng lại được nữa, khác hẳn với sơn dầu hay bột màu, có thể dùng màu nọ chồng lấp lên màu kia. Nhưng ưu thế lớn nhất của tranh lụa chính là sự mềm mại, nhuần nhị, êm ả và sâu lắng.

Nét nổi bật của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một bảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.

Cùng với Lễ hội Văn hóa ASEAN-Nga tại Nga diễn ra cuối tháng 5 năm 2016 có sự tham dự của Việt Nam, Chương trình Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2016 giúp công chúng Nga hiểu sâu hơn về các nét giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Nga. Đặc biệt, các chương trình này sẽ góp phần vào thành công của Năm Giao lưu Văn hóa ASEAN-Nga 2016 nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nga./.

Nguồn Toquoc.vn