Tình trạng thiếu vaccine kéo dài sẽ dẫn tới “lỗ hổng miễn dịch”

Theo các chuyên gia, nếu tình trạng thiếu vaccine kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát trở lại các dịch bệnh trước đó đã được kiểm soát nhờ vaccine.

 Tình trạng “cạn kiệt” một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể, trong tổng số 11 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đang thiếu 2 loại vaccine 5 trong 1 (phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib), vaccine 3 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván).
tinh trang thieu vaccine keo dai se dan toi lo hong mien dich hinh anh 1
                                               Nhân viên y tế tiêm chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ

Trong lúc chờ mua được vaccine hay có được nguồn cung tạm thời từ các đối tác, các chuyên gia không khỏi lo ngại, nếu tình trạng thiếu vaccine như hiện nay kéo dài thì nguy cơ xuất hiện lỗ hổng miễn dịch là rất lớn. Đặc biệt, vaccine có tác dụng tốt nhất khi tiêm đúng lịch, đủ số mũi; nhiều loại vaccine thậm chí nếu quá lứa tuổi thì có tiêm cũng không còn tác dụng.

Ghi nhận tại TTYT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 đã xảy ra từ tháng 4/2023 đến nay. Nhiều loại vaccine khác cũng có khả năng rơi vào tình trạng này trong thời gian tới. Các trung tâm y tế đã triển khai giải pháp tạm thời là tư vấn cho trẻ tiêm ở các điểm tiêm dịch vụ để đúng hạn tiêm nhắc lại. Đồng thời, nhiều phường đã tổ chức tiêm chung để tránh hao phí vaccine.

 “TTYT Hai Bà Trưng đã dự trù và báo cáo lên thành phố để nhận phân bổ vaccine. Nếu tình trạng thiếu vaccine kéo dài và trẻ đến thời hạn tiêm chủng không được tiêm thì có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại”, BS Nguyễn Mạnh Chương, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, TTYT quận Hai Bà Trưng thông tin.
tinh trang thieu vaccine keo dai se dan toi lo hong mien dich hinh anh 2
                       BS Nguyễn Mạnh Chương, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, TTYT quận Hai Bà Trưng

Trong khi đó, theo GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), báo cáo về cung ứng vaccine cho thấy, các vaccine còn lại trong nước cơ bản đáp ứng được giai đoạn “gối đầu” 2022 cho đến tháng 7-8/2023.

 “Với vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván (vaccine 3 trong 1) đang báo cáo thiếu. Tuy nhiên, đây là thiếu vaccine tiêm nhắc lại mũi 4 cho trẻ ở tháng thứ 18. Do vậy, 3 bệnh này, đã số trẻ đã có miễn dịch từ tháng thứ hai (tiêm mũi 1) và tháng thứ ba, tháng thứ tư (tiêm mũi 2, mũi 3). Vấn đề thiếu vaccine này nếu chỉ xảy ra trong ngắn hạn và hiện đã kế hoạch đáp ứng, thì chưa thể có tác động hay có thể diễn biến thành dịch. Với vaccine 5 trong 1 là vaccine nhập khẩu, thì các bệnh có thể thành dịch là viêm gan B, ho gà và bạch hầu. Tuy nhiên, với viêm gan B, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine sơ sinh cao, giúp phòng được nguy cơ lây nhiễm. Với bạch hầu và ho gà, năm 2022, vaccine 5 trong 1 là vaccine có tỷ lệ triển khai tiêm cao nhất trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, với hơn 90,6%. Như vậy, nguy cơ lây bệnh thấp hơn”, ông Lân nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đối với bệnh truyền nhiễm thì ngoài “vũ khí” là vaccine, Việt Nam còn thực hiện các biện pháp truyền thống rất tốt như như giám sát, phát hiện sớm…: “Cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dễ thành dịch như ho gà và bạch hầu, để đáp ứng, ứng phó nhanh chóng hơn. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có hướng dẫn tiêm bù đầy đủ, trong đó, chú trọng vào các “vùng lõm”, ưu tiêm tiêm ngay khi có vaccine tại 21 vùng miền núi”.

Về phía nhà sản xuất vaccine, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cho  rằng, các loại vaccine cung ứng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất theo cơ chế đặt hàng. Tuy vậy, bất cứ lúc nào đơn vị cũng chủ động sản xuất và có một lượng vaccine tương đối để cung cấp nếu các đơn vị có nhu cầu.

Hiện các đơn vị sản xuất đang tích cực phối hợp với bên có nhu cầu nhằm thống nhất phương án mua sắm vaccine.

Cục Y tế dự phòng vừa có hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cụ thể: Trẻ sơ sinh tiêm vaccine viêm gan B; trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine: BCG, bOPV, DPT-VGB-Hib, IPV, Sởi; trẻ từ 1- 5 tuổi tiêm viêm não Nhật Bản B; trẻ 18 – 24 tháng tiêm vaccine sởi – rubella, DPT; phụ nữ có thai tiêm vaccine uốn ván.

Thời gian tới, một số vaccine khác cũng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: Vaccine IPV mũi 2 (tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc) cho trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi; vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; vaccine Rota cho trẻ dưới 1 tuổi.

Nguồn vov.vn