Tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm… gây lãng phí, tốn kém

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc các địa phương, bộ ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, Festival… dù có nơi sử dụng ngân sách, có nơi xã hội hoá nhưng vẫn là nguồn lực của đất nước, của quốc gia, của xã hội.

Đây là một trong những nội dung được đề cập đến trong Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính  – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày chiều 19/4.

Báo cáo cho thấy, công tác quản lý thu NSNN còn hạn chế, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước.

Tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm... gây lãng phí, tốn kém - ảnh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính  – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết tiết kiệm, chống lãng phí 2016.

Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí NSNN ở các mức độ khác nhau.

Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng cũng còn hạn chế: sử dụng sai nguồn kinh phí; sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu…, để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Đặc biệt, năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh (tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng đề mua quà tặng dịp thành lập tỉnh), cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương (Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống)… gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua.

Trước đó, Báo cáo (tóm tắt) kết quả thực hành tiết kiêm, chống lãng phí trong năm 2016 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó nhấn mạnh một số địa phương lập và giao dự toán một số nhiệm vụ chi NSNN chưa tuân chủ định mức; sử dụng sai nguồn kinh phí; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, gây lãng phí…

Nhận định về Báo cáo Thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản thống nhất về Báo cáo và cho rằng đã đủ điều kiện để trình ra trước Quốc hội vào kỳ họp tới.

Theo bà Ngân, phần báo cáo chung có tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Mười nhiệm vụ, giải pháp tiết kiệm cơ bản đủ nhưng vẫn thiếu và cần chú ý đến tính khả thi.

“Ví như, 4 điểm tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản có làm được không? Nợ thuế còn thiếu tiền hoàn thì tính khả thi của từng nhiệm vụ thế nào? Ngay việc chúng ta có quản lý được việc các địa phương, bộ ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, Festival… Có nơi sử dụng ngân sách, có nơi xã hội hoá nhưng vẫn là nguồn lực của đất nước, của quốc gia, của xã hội. Cần phải nhấn mạnh thêm điều này”, Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị xem xét lại bố cục Báo cáo, các nhận định có phần chưa thống nhất với thực tiễn. Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí có nhiều tiến bộ, nên có biểu dương những địa phương, đơn vị làm tốt việc này./.

Nguồn Tổ quốc