Tổ chức trọng thể Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII năm 2012
Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã tổ chức trọng thể Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII năm 2012.
Dự dự sự kiện có ý nghĩa to lớn của những người làm báo; chúc mừng các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong năm, chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII cũng được đón tiếp nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các nhà báo lão thành… cùng đông đảo những người làm báo trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ trao giải (Ảnh: Hồng Ngọc) |
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, đồng chí Thuận Hữu – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, cho biết: Giải báo chí Quốc gia là một trong những hoạt động quy mô toàn quốc, vừa để tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của năm, vừa để động viên, khuyến khích các nhà báo tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giải báo chí quốc gia lần thứ VII trao giải thưởng cho các tác phẩm báo chí sáng tác năm 2012, đã chọn ra 5 tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc trong số 1.450 tác phẩm thuộc các thể loại báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử gửi dự thi, để trao giải A. Hơn 100 tác phẩm khác được trao giải B, giải C và Khuyến khích. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự Giải cao nhất từ trước đến nay. Số Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham dự Giải tiếp tục tăng so với các năm trước.
Giải báo chí lần thứ VII đã thu hút được nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh khách quan, bao quát các sự kiện, sinh hoạt chính trị, kinh tế – xã hội lớn của đất nước trong năm 2012, với những chủ đề lớn như: Nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong bối cảnh đời sống kinh tế – xã hội trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các tác phẩm cũng phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đưa đất nước vượt qua thách thức. Nhiều tác giả đi sâu giới thiệu những cách làm hay, nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi mặt đời sống xã hội, vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân văn cao cả.
Với trách nhiệm xã hội của báo chí, nhiều tác phẩm đã đi đầu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá đất nước; đấu tranh mạnh mẽ bằng ngôn luận trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các tác giả cũng đã đi sâu phân tích các vấn đề về xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, vấn đề nông dân, ngư dân bám biển sản xuất và tham gia bảo vệ vùng biển, về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về phát huy các giá trị văn hóa…
Phát biểu tại Lễ trao Giải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một số nội dung, định hướng nhiệm vụ đối với báo chí cách mạng trong thời gian tới.
Theo đó, thứ nhất, báo chí nước ta cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuyên truyền cổ vũ, động viên mọi người dân và doanh nghiệp trong cả nước thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; tăng cường hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, |
Thứ hai, báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Báo chí của chúng ta phải luôn là một lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc tình hình của đất nước; cũng như những thông tin gây phân tâm, làm phức tạp tình hình và không có lợi cho đất nước.
Thứ ba, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành và các cơ quan Trung ương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí…; thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí; xử lý đúng pháp luật các việc làm sai trái trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức, khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức thật tốt Giải báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, sáng tạo, có những tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Phát huy và nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải báo chí quốc gia sau 7 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.
Tại buổi Lễ, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã trao giải cho 117 tác phẩm thuộc 11 loại giải, trong đó có 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải Khuyến khích. Trong số 117 tác phẩm đoạt giải, có 61 tác phẩm báo chí Trung ương, 56 tác phẩm báo chí địa phương.
Cụ thể, ở loại hình báo in: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn: 1 giải A, 3 giải B, 4 giải C, 7 giải Khuyến khích (KK); Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận, tiểu phẩm: không giải A, 3 giải B, 6 giải C, 5 giải KK; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép: 1 giải A, 3 giải B, 7 giải C, 5 giải KK. Ở giải Ảnh báo chí: không giải A, 2 giải B, 3 giải C, 2 giải KK. Ở loại hình báo nói: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp: 1 giải A, 3 giải B, 4 giải C, 4 giải KK; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký: 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 6 giải KK. Ở thể loại báo hình: Giải Tin, phóng sự, ký sự: 1 giải A, 3 giải B, 9 giải C, 4 giải KK; Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm: không có giải A, 1 giải B, 2 giải C, 1 giải KK; Giải Phim tài liệu Truyền hình: không giải A, 4 giải B, 3 giải C, 2 giải KK. Ở thể loại báo điện tử: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận: không giải A, 2 giải B, 2 giải C, 2 giải KK. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép: không giải A, 2 giải B, 2 giải C, 1 giải KK.
Trong số các tác phẩm đoạt giải, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được Hội đồng Giải báo chí quốc gia tặng Giải khuyến khích cho loạt bài: “Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của nhóm tác giả: Phạm Đức Thái, Hồ Trường Quân, Nguyễn Thương Huyền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải cho tác giả và nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải A. Các đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải C cho các tác giả đoạt giải./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.