Tô Hoài và Nguyễn Du – Mối duyên văn trăm năm?
Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, đúng sau 100 năm ngày đại thi hào Nguyễn Du (1766 – 1820) mất. Tuy khác biệt về thời đại nhưng hai ông có những điểm tương đồng thú vị
Khích lệ tinh thần “vượt thoát”
Tuy “Truyện Kiều” và “Dế Mèn phiêu lưu ký” hướng tới những đối tượng bạn đọc khác nhau (người lớn, thiếu nhi) nhưng lại đều sử dụng cốt truyện chương hồi, chuyển tải nội dung câu chuyện đậm màu sắc phiêu lưu. Ở “Truyện Kiều”, đó là hành trình lưu lạc của Thúy Kiều sau biến cố gia đình buộc phải bán mình chuộc cha; còn ở “Dế Mèn phiêu lưu ký” là việc Dế Mèn bất ngờ bị bọn trẻ bắt về làm trò chơi và sau đó, nhân vật chủ động “đi xem xét các nơi cho mở mang trí óc ra”. Trên hành trình luân lạc hay phiêu lưu đó, các nhân vật phải đối mặt với rất nhiều thử thách gay cấn. Mỗi nhân vật đều đã biết biến nguy thành an, vượt qua thử thách để cuối cùng tìm được kết thúc có hậu.
Tác phẩm của Nguyễn Du và Tô Hoài
Nổi bật lên ở 2 tác phẩm là hình tượng bước chân của nhân vật chính. Với nhân vật Thúy Kiều, đó là bước chân mạnh bạo, chủ động đi tìm hạnh phúc giữa cuộc sống biến động khôn lường. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nói rằng cái bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thúy Kiều đã làm “ngơ ngác” không biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc, nhất là với những người trẻ tuổi. Nhân vật Dế Mèn, như nhà văn Nguyễn Kiên từng chia sẻ cũng đã làm cho thế hệ ông cứ “mơ màng đến bước chân phiêu lưu, vượt ra lũy tre làng”. Có thể nói, bước chân ở 2 tác phẩm đều khích lệ bạn đọc tinh thần “vượt thoát”, dám phá vỡ các giới hạn mà thời đại đặt ra để vươn tới chiếm lĩnh những giá trị cuộc sống mới hơn, tích cực hơn.
Tô Hoài, cũng giống như Nguyễn Du, rất chú trọng đưa miêu tả vào trong quá trình tự sự. Cho nên, sáng tác của 2 tài năng văn chương này luôn cung cấp cho người đọc những câu, đoạn miêu tả giàu tính hình ảnh và biểu cảm. Chẳng hạn, mùa xuân hiện lên thật tươi tắn qua nét vẽ của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” và cả Tô Hoài: “Chim hót ơi ới đầu cành. Ánh nắng lụa nõn phủ trên chòm cây. Những vạt cỏ trở lại non tươi, xanh mởn khắp mặt đất, cỏ xuân nhấp ngọt như đường phèn” (“Dế Mèn phiêu lưu ký”)…
Dấu ấn “Truyện Kiều” trong sáng tác của Tô Hoài
Sinh thời, Tô Hoài sớm được tiếp xúc với mạch nguồn văn hóa “Truyện Kiều” qua lời ru của mẹ, lời kể của bà ngoại. Khi theo đuổi nghề viết, ông càng chú tâm tìm hiểu “Truyện Kiều”, thấy Nguyễn Du đúng là bậc thầy trong việc đi tìm nguồn chữ cũng như cách nói và cách viết. Nhà văn cho biết: “Truyện Kiều” và các công trình sưu tầm tục ngữ, phong dao, câu đố, hát ví… là những sách gối đầu giường tôi thường đọc”. Với việc gắn bó đầy ngưỡng mộ như thế, Tô Hoài tất yếu sẽ học tập Nguyễn Du, vận dụng kinh nghiệm nghệ thuật của Nguyễn Du vào trong công việc sáng tác của mình.
Dấu ấn “Truyện Kiều” trong sáng tác của Tô Hoài là việc sử dụng nhiều câu thơ vào một số mục đích cụ thể. Chẳng hạn, ông dùng câu thơ “Trăng thề còn đó trơ trơ” làm đề từ cho tiểu thuyết “Giăng thề” (1943). Ông tựa vào câu thơ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” để viết nên câu văn “Cảnh buồn mà người vui” trong đoạn kết truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”: “Trong những ngày còn lưu ở quê hương, tôi chép lại cuộc sống trôi nổi vừa qua. Giờ đương mùa thu. Mùa thu, hoa cúc vàng nở lưng giậu. Lối mòn đầy lá đỏ rơi. Từ hôm vào mùa mới, đất trời u ám mưa phùn. Cảnh buồn mà lòng vui”. Ở câu văn đang nói, Tô Hoài bộc lộ một cách nhìn mới về mối quan hệ giữa tình và cảnh, phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của văn học hiện đại.
Khi phân tích nhân vật Mỵ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhiều người nhận thấy có mối quan hệ tương đồng giữa nhân vật Mỵ và nhân vật Thúy Kiều. Cả 2 đều đẹp người, đẹp nết và có tài năng nghệ thuật. Khi gia đình có biến cố, cả 2 nhân vật này đều chọn cách hy sinh hạnh phúc cá nhân để giúp cha mẹ tránh khỏi nguy cơ bị kẻ xấu hành hạ. Chữ “hiếu”, có thể nói, là một cảm hứng sáng tác đầy say mê của Nguyễn Du và Tô Hoài. Nó làm thành một nội dung đầy cảm động khiến cho bạn đọc thêm phần yêu thích “Truyện Kiều” và “Vợ chồng A Phủ”. Có thể hiểu rõ dụng ý của Tô Hoài khi xây dựng hình tượng nhân vật Mỵ có nhiều nét tương đồng với Thúy Kiều. Ông muốn chứng minh rằng người phụ nữ Việt Nam dù ở miền xuôi hay miền ngược đều là hiện thân của cái đẹp.
Tô Hoài và Nguyễn Du là những tài năng lớn của văn chương Việt Nam. Từ chỗ “biệt nhỡn liên tài”, Tô Hoài đã học tập Nguyễn Du nhằm đạt được những trang viết giàu tính nhân văn. Kết quả, giữa 2 ông đã có những tương đồng và gặp gỡ rất ý nghĩa. Vào những ngày này, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm, kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du và 100 năm ngày sinh Tô Hoài. Đây chính là lúc chúng ta có điều kiện để nghĩ sâu hơn về sức lan tỏa của những tài năng văn chương lớn…
Đều có tác phẩm nổi tiếng thế giới
Cả 2 ông đều có nhiều tác phẩm giá trị, nhất là tạo được kiệt tác văn chương – “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài). Chính nhờ những tác phẩm này mà văn chương Việt Nam mở rộng được ảnh hưởng tới nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới. Tính tới thời điểm này, “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với 60 bản dịch khác nhau. “Dế Mèn phiêu lưu ký” cũng đã được dịch ra 15 thứ tiếng, có mặt ở hơn 40 nền văn học khác nhau.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.