Tọa đàm khoa học Quy trình canh tác sầu riêng giảm thuốc bảo vệ thực vật
(THTG) Ngày 10-8, tại huyện Cai Lậy, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Quy trình canh tác bền vững quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây sầu riêng” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lí, doanh nghiệp và nông dân.
Tọa đàm khoa học Quy trình canh tác sầu riêng giảm thuốc bảo vệ thực vật
Cả nước hiện có 150.000 ha sầu riêng, với tổng sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,2 tỷ USD. Sầu riêng trái tươi của Việt Nam đã đi được vào 22 nước và sầu riêng đông lạnh đã nhập vào được 23 nước trên thế giới. Đặc biệt từ sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì diện tích và sản lượng sầu riêng tăng nhanh, song lại đối diện với rủi ro cao và không mang tính bền vững. Vì vậy, mục đích của buổi tọa đàm này là từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ truyền thống sang giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó hình thành quy trình canh tác bền vững.
Riêng tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 21.790 ha sầu riêng, cho tổng sản lượng 387 ngàn tấn/năm. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao và chủ yếu để xuất khẩu nên chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu rất được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm. Theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh, quản lí quy hoạch và cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói được các cấp, các ngành và nông dân thực hiện tốt. Ghi nhận nhất là nông dân trồng sầu riêng cũng ý thức cao trong việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học và các nhà quản lí cũng khuyến cáo nhà vườn mạnh dạn thay đổi giống. Cụ thể chương trình lai tạo giống của Viện Cây ăn quả miền Nam được thực hiện từ năm 2008 và đến nay đã chọn được 4 giống/dòng sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng cao là: LĐ 20, LĐ 21, RM 14 và RM 60. Bên cạnh đó, Viện cũng đã chọn được 300 cá thế sầu riêng lai có triển vọng, đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá, chọn lọc cá thể ưu tú cho khảo nghiệm giống. Đồng thời, Viện cũng chuyển giao cho nông dân trồng sầu riêng các tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn GAP để tăng hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Kim Nữ – Lê Thi
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.