Tổng Giám đốc WHO: Đại dịch Covid-19 dạy chúng ta bài học đau đớn
7-8 “ứng cử viên” vaccine ngừa Covid-19
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/5 cho biết, có khoảng 7-8 “ứng cử viên” hàng đầu trong cuộc chạy đua tìm kiếm một loại vaccine để có thể ngăn ngừa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch Covid-19, công việc để sớm đưa vaccine chính thức vào sử dụng đang được đẩy nhanh.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận ban đầu chỉ dám nghĩ đến việc có được vaccine phòng ngừa virus chết người SARS-CoV-2 sau từ 12-18 tháng. Tuy nhiên, ông nói rằng một nỗ lực tăng tốc đang được tiến hành trong bối cảnh hồi tuần trước, giới lãnh đạo đến từ 40 quốc gia, các tổ chức và ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 8 tỷ USD để nghiên cứu, thử nghiệm tìm ra vaccine ngừa Covid-19.
Theo ông Tedros, 8 tỷ USD là không đủ và sẽ cần thêm tiền để tăng tốc độ phát triển vaccine, nhưng quan trọng hơn là phải sản xuất đủ số lượng để đảm bảo vaccine có thể đến được với tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Hiện tại chúng tôi có những ứng cử viên sáng giá. Trong đó có 7-8 ứng cử viên hàng đầu. Chúng tôi có tất cả hơn 100 ứng cử viên. Chúng tôi đang tập trung vào một vài ứng cử viên mà chúng tôi đánh giá có thể mang lại kết quả tốt hơn và tăng tốc với những ứng cử viên có tiềm năng tốt hơn”, Tổng Giám đốc WHO nói.
Mặc dù vậy, ông Tedros không cung cấp thông tin chi tiết về những ứng cử viên hàng đầu mà ông đề cập.
Kể từ tháng 1/2020, WHO đã làm việc với hàng ngàn nhà nghiên cứu trên khắp thế giới để tìm hiểu, xúc tiến, tăng tốc phát triển vaccine, tiến hành thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh rằng Covid-19 rất dễ lây lan và dịch bệnh này là “một kẻ sát nhân” đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 275.000 người, khiến hơn 4 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu.
“Trong khi các ca bệnh mới đang có xu hướng giảm ở Tây Âu, chúng ta lại chứng kiến sự gia tăng ở Đông Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Địa Trung Hải và các khu vực khác”, ông Tedros nói.
“Covid-19 dạy cho chúng ta nhiều bài học đau đớn”
Ông Tedros cũng nhấn mạnh rằng trong khi cần tiếp tục đưa ra các phản ứng mang tính cấp bách đối phó với đại dịch Covid-19, các quốc gia cũng cần phải đặt nền móng cho một thế giới lành mạnh, an toàn và công bằng hơn.
“Thế giới chi khoảng 7,5 nghìn tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe mỗi năm, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu, nhưng các khoản đầu tư tốt nhất sẽ là đầu tư vào thúc đẩy sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật ở cấp độ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Điều này sẽ giúp cứu nhiều mạng sống và tiết kiệm tiền”, ông Tedros nói.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed nhất trí với quan điểm cho rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác trong việc ứng phó với đại dịch bởi các nước đều có liên kết với nhau. Tuy nhiên, trước mắt phải dành sự ưu tiên cho các quốc gia, cộng đồng người dễ bị tổn thương nhất.
Tập trung hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương
Bà Amina Mohammed kêu gọi một chương trình xóa nợ cho các nước dễ bị tổn thương, qua đó giúp nền kinh tế của họ có thể phục hồi.
Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các biện pháp bảo vệ và kích thích nền kinh tế nên nhằm vào đối tượng là phụ nữ – đối tượng chiếm phần đông trong số những người trong nền kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng chính là những người đi đầu trong phản ứng của cộng đồng.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì cho biết, cơ quan này ước tính, thế giới sẽ mất đi khoảng 305 triệu việc làm toàn thời gian trong quý II năm nay, kết thúc vào ngày 30/6. Đây thực sự là con số gây choáng váng nêu so sánh với con số 22 triệu việc làm toàn thời gian mất đi ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008-2009.
Theo ông Ryder, người ta cũng thường không để ý đến việc có tới 60% trong số 3,3 tỷ lao động trên toàn cầu làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, hầu hết là phụ nữ.
Ước tính của ILO cho thấy, trong tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, với việc nhiều nước phải áp dụng biện pháp phong tỏa, ngừng hoạt động kinh tế, những người này đã mất trung bình 60% thu nhập. Và họ tập trung ở các quốc gia có nguồn lực hạn chế, hệ thống bảo trợ xã hội yếu.
Tổng Giám đốc ILO kêu gọi hợp tác quốc tế để giúp đỡ những người gặp khó khăn nhất và tăng cường nỗ lực để giữ cho các doanh nghiệp không bị phá sản, duy trì việc làm, giữ mối liên hệ giữa doanh nghiệp và người lao động ngay cả khi họ không thể quay trở lại làm việc ngay bây giờ.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.