Tổng thống Trump lần đầu công du nước ngoài trong bối cảnh rối bời
Ông Trump bị cho là chuẩn bị không kĩ cho chuyến công du nước ngoài quan trọng này khi giữa lúc phải đối đầu với nhiều cuộc “khủng hoảng” ở Nhà Trắng.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu từ hôm nay (20/5), với 5 điểm dừng chân ở Trung Đông và châu Âu, vốn được coi là bài kiểm tra đối ngoại vô cùng quan trọng đối với ông. Nhưng sau khi ông Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, gây ra hàng loạt phản ứng dây chuyền rắc rối sau đó, hành trang của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm cả núi vấn đề nội bộ gai góc.
“Chưa bao giờ một vị Tổng thống nào có chuyến công du nước ngoài đầu tiên bị bê bối đeo bám như thế này”, ông Larry Sabato, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chính trị của Đại học Virginia nhận định. “Ông ấy vốn đã là một vị Tổng thống bị nhiều nước nhìn nhận với ánh mắt hồ nghi. Trong khi những bức tranh vẽ ra từ chuyến đi này có thể rất đẹp, Nhà Trắng chẳng thể nào thay đổi những tít báo cứ đeo đuổi ông ấy đến bất cứ đâu”.
Mỗi bước đi của ông Trump lần này đều sẽ như “dẫm chân lên đá nóng”.
Chuyến đi báo trước nhiều giông tố
Ở Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump – một người để lại dấu ấn tranh cử bằng những phát ngôn hùng hồn phản đối đạo Hồi và chính quyền của ông hiện nay vẫn nỗ lực cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ – sẽ có bài phát biểu cho cả thế giới Hồi giáo thấy sự đối lập rõ ràng với tầm nhìn mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đưa ra trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực này.
Còn ở Israel, Tổng thống Trump sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu để tìm cách xoa dịu những căng thẳng mới nhất giữa 2 bên. Israel vẫn đang nổi giận sau khi quan chức Mỹ xác nhận hồi đầu tuần này ông Trump đã chia sẻ tin tình báo tuyệt mật về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với các nhà ngoại giao Nga ngay tại Nhà Trắng. Thông tin này là do Israel cung cấp cho Mỹ, do đó có những lo ngại rằng nguồn tin đáng giá của Israel có thể gặp nguy hiểm.
Chưa hết, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R.McMaster “đổ thêm dầu vào lửa” khi từ chối tuyên bố Bức tường phía Tây (Western Wall) là một phần của Israel. Chính sách lâu nay của Mỹ duy trì quan điểm rằng chủ sở hữu thánh địa này cũng như phần còn lại của Jerusalem là một chủ đề đàm phán giữa Israel với Palestine.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.