TP HCM và các tỉnh ĐBSCL bắt tay hợp tác thương mại
Thông qua chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh/thành Đông – Tây Nam Bộ, Sở Công Thương TP HCM phối hợp Sở Công Thương các tỉnh/thành triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa.
Kết nối cung cầu hiệu quả
Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và là thị trường tiêu thụ chính của khu vực ĐBSCL với 80% nguồn cung thực phẩm cho TP HCM đến từ các tỉnh ĐBSCL. Từ gần chục năm nay, TP HCM đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng các tỉnh thành tổ chức Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa nhằm tạo điều kiện cho DN có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN TP HCM nói riêng và các tỉnh/thành nói chung.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, tính từ năm 2012 đến nay, đã có 2.283 hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa các nhà phân phối và nhà sản xuất các địa phương. Đặc biệt, Hội nghị Kết nối cung – cầu năm 2018 vừa (tổ chức từ ngày 22-23/11/2018 tại Bến Tre) tiếp tục là một sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh. Hội nghị đã nhận được sự quan tâm cao của Bộ Công Thương, chính quyền nhiều địa phương trên cả nước; đồng thời là sự kiện được nhiều các cơ quan báo, đài theo dõi, đưa tin.
Một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm khách hàng tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2018 vừa diễn ra tại Bến Tre
Điểm nổi bật năm nay là Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Bến Tre trên cơ sở được sự thống nhất của các tỉnh, thành nhằm hỗ trợ các DN giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tại các tỉnh, thành trên cả nước. Hội nghị đã kết nối thành công 379 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa bên cung ứng và bên thu mua. Trong đó, một số địa phương có nhiều biên bản ghi nhớ như: Long An (55 hợp đồng), Đồng Tháp (53 hợp đồng), Lâm Đồng (50 hợp đồng), Cà Mau (37 hợp đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (23 hợp đồng)…; một số đơn vị phân phối tìm được nhiều nhà cung ứng như: Hệ thống Vinmart (115 nhà cung ứng), Saigon Co.op (107 nhà cung ứng)…
Lan tỏa hiệu quả bình ổn thị trường ra các tỉnhh/thành
Với chương trình bình ổn thị trường, xuất phát từ TP HCM, đến nay chương trình đã tạo được sức lan tỏa lớn đến nhiều tỉnh thành khác. Đến nay chương trình Bình ổn thị trường TP HCM có 90 DN tham gia, trong đó có 17 DN của các tỉnh/thành, chủ yếu tham gia cung ứng các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản. Ngược lại, thông qua các hệ thống phân phối lớn của TP HCM như Saigon Co.op, Satra, Fahasa, Ba Huân, Miti… sản phẩm bình ổn thị trường của TP cũng được đưa đến tận tay người tiêu dùng các tỉnh/thành, góp phần giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương. Riêng Saigon Co.op thực hiện hơn 500 chuyến bán hàng lưu động tại các tỉnh/thành.
Cũng nhờ sự hỗ trợ kết nối sâu rộng của chính quyền TP HCM và các tỉnh/thành, các DN TP HCM đã an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các HTX nuôi trồng; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối.
Đến nay, các DN Bình ổn thị trường TP HCM đã đầu tư 42 nhà máy, cơ sở sản xuất; 72 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh/thành Đông – Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư 30.112 tỉ đồng. Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân 3.000 tỉ đồng mỗi năm.
Thông qua liên kết đầu tư, phát triển sản xuất tại các tỉnh/thành đã giúp cho DN TP HCM chủ động trong công tác tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất luợng, ổn định giá cả thị trường, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh cho DN TP HCM và các tỉnh/thành Đông – Tây Nam Bộ.
Song song đó, thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại, các DN phân phối TP đã đầu tư 16 trung tâm thương mại, 283 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh/thành cả nước. Trong đó, các đơn vị đầu tư mạnh tại các tỉnh/thành như Saigon Co.op đầu tư hệ 64 siêu thị, Big C đầu tư 26 siêu thị, Lotte đầu tư 09 siêu thị…
Bên cạnh đó, một số DN bình ổn thị trường như Vinamilk, NutiFood, Vissan, Cầu Tre, Vĩnh Tiến, Minh Tiến… đã tích cực phát triển mạng lưới đại lý tại khắp các tỉnh/thành; một số DN sản xuất thực phẩm tươi sống như San Hà, Phạm Tôn, Ba Huân đã thiết lập mạng lưới phân phối và cung ứng cho thị trường phía Bắc.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.