TPHCM: Thai phụ tử vong do nhiễm virus cúm A H1N1

       Bệnh nhân nữ tên là Lê Thị Cẩm Vân, sinh năm 1989, quê ở Kon Tum, đang làm công nhân trong Khu công nghệ cao ở quận 9, TPHCM.

        Chiều ngày 06/06, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chính thức công bố ca tử vong thứ 3 do nhiễm virus cúm A H1N1. Đây là trường hợp từ vong thứ 3 do nhiễm virus cúm A H1N1 từ đầu năm đến nay tại thành phố.

Bệnh nhân nữ tên là Lê Thị Cẩm Vân, sinh năm 1989, quê ở Kon Tum, đang làm công nhân trong Khu công nghệ cao ở quận 9, TPHCM. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 0h ngày 2/6 và tử vong vào lúc 4h20 phút ngày 5/6.

Trước đó, bệnh nhân có dấu hiệu bị sốt, ớn lạnh, khó thở và được đưa vào bệnh viện quận 9. Sau đó, chuyển đến bệnh viện Từ Dũ để sinh em bé vì bệnh nhân đang mang thai ở tuần 34.

Sau khi sinh con, bệnh nhân được chuyển ngay sang bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Tamiflu, đặt nội khí quản thở máy. Tuy nhiên, sau vài ngày điều trị, tình trạng bệnh xấu dần, bị viêm toàn bộ hai phổi, không một mô phổi nào còn lành và đã tử vong. Trước đó, người chồng của bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, ho trong ba ngày liền nhưng sau đó đã khỏi bệnh.

Hiện tại, trong khu cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy còn hai bệnh nhân, một trường hợp đang chờ các kết quả xét nghiệm virus cúm A H1N1, một người đã bị nhiễm cúm A H1N1 đang trong tình trạng sức khỏe kém. Tiến sỹ – bác sỹ Hoàng Lan Phương, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo: người dân khi có triệu chứng cúm thì nên đến trạm y tế sớm, tránh hiện tượng tự ý ra ngoài mua thuốc uống, đừng để đến khi quá nặng mới đi bệnh viện thì đã muộn. Và nhiều khi bệnh diễn tiến rất nhanh, không lường được.

“Đây là bệnh viện tuyến cuối nên bệnh nhân sau khi tự điều trị ở nhà không hiệu quả nữa mới lên đây. Bệnh nhân Lý Kim Sến tự điều trị ở nhà 4-5 ngày không hết mới vào bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh thấy nặng mới chuyển lên như vậy mất 7 ngày rồi. Còn trường hợp này, bệnh nhân có thai, sức đề kháng yếu, bệnh dễ nặng hơn người ta. Chúng tôi khuyến cáo, nếu bệnh nhân điều trị sớm trong vòng 48 tiếng thì sẽ tốt hơn nhiều.” – bác sỹ Hoàng Lan Phương cho biết./.