Trái cây ĐBSCL vào mùa – Rớt giá, bí đầu ra

        Giá trái cây tại ĐBSCL đang rớt thê thảm trong thời gian ngắn khiến nhà vườn lao đao. Trong khi đó, nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao cũng bí lối ra, phá sản chỉ sau một thời gian ngắn.

        Ế hàng, dội chợ tràn lan

Dịp Tết Đoan Ngọ cũng là dịp ĐBSCL thu hoạch rộ trái cây. Thế nhưng, trái với cảnh được mùa là tình trạng giá rẻ bèo đang diễn ra ở Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… Cụ thể, xoài cát chu đặc sản ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện bán tại vườn chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg. Cùng loại này, tại nhiều chợ ở Cần Thơ giá bán chỉ có 2.000-3.000 đồng/kg.

“Trong khi đó, hồi đầu tháng 3, xoài cát chu giá từ 23.000-30.000 đồng/kg” – ông Trần Văn Năm, một tiểu thương bán tại chợ Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, cho biết. Nông dân Huỳnh Văn Tấn ở xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh phản ánh: “Giá xoài cát chu đang ở mức quá thấp khiến nhiều chủ vườn bỏ cho trái chín rụng ngoài vườn mà không thèm thu hoạch”.

Hơn 97% sản lượng trái cây của nông dân tiêu thụ qua thương lái.

Tại 2 vùng bưởi năm roi nổi tiếng ở Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) và Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cũng đang lâm vào cảnh ế ẩm. Hồi đầu tháng 5-2013, bưởi năm roi loại 1 được thương lái săn lùng với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg nay chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg nhưng nhà vườn vẫn chưa bán được.

Nông dân Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang than thở: “Dịp Tết Đoan Ngọ năm ngoái tôi bán được 10.000-12.000 đồng/kg nhưng nay thì 8 công bưởi chín hết rồi, năng suất giảm 60-70% vì sâu đục trái, giá thấp như thế mà thương lái kêu là dội chợ nên thu mua chậm”. Trong khi đó trái măng cụt ở Châu Thành (Hậu Giang), Kế Sách (Sóc Trăng) chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg, giảm 8.000-10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 5 vừa qua… Các loại sầu riêng ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long cũng giảm bình quân 3.000-5.000 đồng/kg so với đầu tháng 6.

Tại các chợ lớn nhỏ, từ đô thị đến vùng nông thôn ở ĐBSCL trái cây các loại như xoài, chôm chôm, thanh long, dưa hấu, bưởi năm roi… đổ đống, treo bảng đại hạ giá tràn lan. Tại Vĩnh Long, Cần Thơ, chôm chôm thường bán lẻ chỉ có 5.000-7.000 đồng/kg trong khi hồi đầu tháng 5 có giá 15.000-20.000 đồng/kg. Thảm hại nhất là thanh long được đổ thành những đống to đùng trên các đường dẫn vào trung tâm TP Cần Thơ bán với giá 3.000-4.000 đồng/kg.

        Hết tiền làm “thương hiệu”

Giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định cũng khiến cho nhiều mô hình sản xuất trái cây chất lượng cao theo Global Gap cũng đang đứng bên bờ vực phá sản khi chưa kịp nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), cho biết: “HTX có 102 xã viên, canh tác 55,3ha vú sữa lò rèn theo tiêu chuẩn Global Gap. Hiện tại bằng chứng nhận Global Gap của HTX đã trễ hạn tái công nhận hơn 1 năm nhưng chúng tôi chưa có kinh phí làm lại, đang chờ tỉnh hỗ trợ”. Việc mở rộng vùng sản xuất theo Global Gap khó thu hút được nông dân. Trong khi vùng canh tác vú sữa lò rèn ở huyện Châu Thành lên đến 3.600ha.

“Hiện có doanh nghiệp ở TPHCM đặt hàng số lượng lớn theo Global Gap nhưng chúng tôi không dám nhận vì không đủ khả năng cung ứng. Khâu bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng nhu cầu. Các nhà xuất khẩu yêu cầu phải bảo quản trong 1 tháng nhưng hiện tại mình chưa làm được, trong khi sản lượng làm theo Global Gap quá ít, thu hoạch không cùng thời điểm”, ông Ngàn nói.

Trong khi đó, nhiều xã viên phản ánh, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ qua thương lái bên ngoài với mức giá như vú sữa canh tác theo kiểu truyền thống.

Nông dân trồng bưởi năm roi theo Global Gap nhưng phải bán cho thương lái bên ngoài với giá thường.

Một điển hình nữa là mô hình HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) sản xuất theo Global Gap cũng phải rã đám giữa chừng. Bằng chứng nhận thì quá hạn mấy năm, không có kinh phí 7.000-8.000USD để làm thủ tục tái công nhận. Toàn bộ 26 xã viên canh tác trên diện tích 23ha đã ra khỏi hợp tác xã trở về canh tác theo kiểu truyền thống vì sản xuất theo Global Gap cực khổ, tốn kém hơn nhiều lần nhưng vẫn bán cho thương lái với giá bình thường.

Mong muốn mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn quốc tế tại vùng bưởi nổi tiếng 1.200ha ở xã Mỹ Hòa của ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng như nông dân khó thành hiện thực. Trong khi đó, một số mô hình chôm chôm Global Gap ở Bến Tre, Vĩnh Long cũng khó tìm được đường xuất khẩu, phải tiêu thụ trong nước với giá cả bấp bênh và gặp khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí tái công nhận…

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Hiện nông dân trồng cây ăn trái rất cần nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường, tìm đầu ra ổn định; hướng sản xuất an toàn, chất lượng; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại; phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch”.

Cùng ý kiến này, một chuyên gia đầu ngành ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nhà vườn nên hiểu rõ sản phẩm của mình làm ra để bán, cho nên phải tuân thủ quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn tốt, đảm bảo chất lượng, an toàn; không thể làm theo tập quán mãi được. Đặc biệt, phải hợp tác sản xuất theo quy hoạch để có sản phẩm đồng đều, sản lượng đảm bảo phục vụ các hợp đồng lớn.