Trái đất đang cực nóng
Nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát sau thảm họa sóng thần
Hội nghị cũng dành 1 phút mặc niệm cho các nạn nhân trận động đất và sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia.
Không thể chần chừ
Giáo sư – tiến sĩ Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC, nhấn mạnh, cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu 2°C là một trong những nỗ lực phi thường nhất của nhân loại trong bối cảnh hiện nay. Ông cho rằng, con người vẫn có thể tránh được sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2°C mặc dù tình trạng nóng lên toàn cầu kể từ năm 2000 đến nay đã có nhiều năm diễn biến thất thường.
Theo ông Lee, cần phải có cơ chế thay đổi nhanh chóng trong việc chuyển đổi năng lượng, giảm mức phát thải carbon xuống thấp nhất. Ngay tại thời điểm này, chính phủ các nước cần có những phương án và giải pháp linh hoạt để giảm thiểu các khí nhà kính và khí thải carbon trong sản xuất. Chi phí cho kế hoạch giữ mức nhiệt tăng ổn định hàng năm sẽ ít tốn kém hơn việc trì hoãn. Nếu trì hoãn đến năm 2050 mới hành động, con số chi phí có thể tăng lên rất nhiều.
Các nhà khoa học đã đưa ra một bản báo cáo chi tiết về những ảnh hưởng xấu của BĐKH tới Trái đất. Những bằng chứng được đưa ra về tác động do biến đổi khí hậu từ vùng Bắc cực đến vùng Amazon, tốc độ băng tan chảy ở Bắc cực từ năm 2007 đến 2009 cao hơn 40%, mực nước biển cũng tăng thêm 5cm trong vòng 15 năm qua và mực nước biển có thể tăng thêm 1m vào năm 2100. Báo cáo cho biết sự BĐKH đang diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng tượng. Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng như hiện nay, dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 4°C – 7°C vào năm 2100, con người và tất cả các hệ sinh thái trên Trái đất sẽ phải đối mặt ảnh hưởng sâu sắc bởi những hậu quả do hiện tượng BĐKH.
Thảm họa không ngừng
Cùng ngày, Chính phủ Indonesia xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi hiện là 1.300 người và khoảng 190.000 người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, đây chưa phải là con số cuối cùng khi còn nhiều khu vực chưa thể tiếp cận. Hiện giới chức Indonesia đang nỗ lực cung cấp lương thực, thực phẩm, viện trợ các trang thiết bị cần thiết đến đảo Sulawesi. Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian và nỗ lực khắc phục tình cảnh thiếu thốn trang thiết bị để tiếp tục công tác tìm kiếm các nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cơ quan chức năng buộc phải nhanh chóng tiến hành chôn cất tập thể các nạn nhân xấu số. Người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia Willem Rampangilei cho biết, một mồ chôn tập thể đang được chuẩn bị tại TP Palu cho ít nhất 300 nạn nhân thiệt mạng. Mồ chôn này có chiều dài 100m và chiều rộng 10m, và có thể được mở rộng nếu cần thiết.
Chính phủ Indonesia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nước này trong công tác khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất – sóng thần. Hàng chục cơ quan viện trợ và tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng thông báo sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Indonesia trong công tác cứu hộ, cứu trợ và tái thiết.
Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo khoản viện trợ khẩn cấp 1,5 triệu eur (tương đương 1,74 triệu USD) cho Indonesia. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu USD; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của phía Indonesia. Chính phủ Australia cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Indonesia bất cứ điều gì cần thiết để quốc gia này có thể phục hồi sau thảm họa.
Về các sinh viên Việt Nam tại TP Palu, hiện nhóm sinh viên này đã được máy bay đưa tới sân bay ở TP Makassar. Trước đó, Đại sứ Việt Nam Phạm Vinh Quang đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh (cơ quan điều phối cứu trợ của Indonesia) để đề nghị giúp đỡ. Hiện đã xảy ra tình trạng hỗn loạn ở sân bay Palu khi người dân tràn vào sân bay và leo lên các máy bay khiến không quân nước này tạm ngưng các chuyến bay từ Palu đi Makassar và ngược lại. |
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.