Trái thanh long mang về 107 triệu USD
TS. Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Nghiên cứu cây ăn quả (NCCĂQ) miền Nam, cho biết thanh long hiện đang nằm trong nhóm trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và tăng đều ở những năm gần đây. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu thanh long khoảng 218.500 tấn, với kim ngạch đạt 107 triệu USD, tăng hơn 81% về sản lượng và 90% giá trị so với năm 2010; 6 tháng đầu năm 2012 thanh long cũng đã mang về 76,8 triệu USD.
Mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAp ở xã Quơn Long (Chợ Gạo) |
Theo đánh giá của TS. Lương Ngọc Trung Lập, ngoài những thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hà Lan… đã xuất hiện một số thị trường mới như: Chilê, Brunei và Greenland. Tuy kim ngạch xuất khẩu thanh long vào các thị trường này còn khiêm tốn nhưng bước đầu đã thâm nhập và tạo được sự đa dạng hóa trong cơ cấu thị trường xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Đáng lưu ý là thanh long Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada và châu Âu luôn đạt mức giá cao hơn các thị trường khác. Bên cạnh đó, năm 2011 thanh long xuất khẩu sang thị trường Nga đạt mức giá trung bình cao nhất (4.500 USD/tấn), kế tiếp là Nhật (3.630 USD/tấn), Mỹ (2.760 USD/tấn), Canada (2.160 USD/tấn) và Anh (2.100 USD/tấn). Giá trung bình xuất khẩu thanh long của nước ta năm 2011 sang thị trường Indonesia và Thái Lan đạt mức giá lần lượt là 565 và 489 USD/tấn. Trong khi đó, thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt mức giá là 396 USD/tấn.
Thanh long Việt Nam xuất khẩu sang khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống và chiếm tỷ trọng lớn nhất của thanh long Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 169.500 tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010 và giá trị thanh long xuất khẩu năm 2011 đạt 67,3 triệu USD, tăng hơn 2,4 lần so với năm 2010. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt 136.700 tấn, với kim ngạch đạt 76,8 triệu USD, tăng 78,3% về số lượng và 93,7% về kim ngạch. Trong đó, thị trường Trung Quốc tăng 107% về số lượng và 176,5% về giá trị. Tiếp theo là Hàn Quốc (136% và 114%), Canada (105% và 99%), Nhật Bản (14% và 36%) và Thái Lan (13% và 30%). Nhu cầu tăng cao ở thị trường Trung Quốc đã đẩy kim ngạch xuất khẩu thanh long tăng mạnh trong nửa đầu năm 2012. Ngoài ra, yếu tố giá thanh long xuất khẩu cao hơn năm trước cũng góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta. Giá xuất khẩu trung bình thanh long trong 6 tháng đầu năm đạt 539,5 USD/tấn (cao hơn gần 6% so với cùng kỳ).
Theo dự báo, xuất khẩu trái thanh long vẫn còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo) chuyên cung ứng trái thanh long xuất khẩu, cho biết theo dự kiến năm 2013 một số nước sẽ mua thanh long nhiều hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc. Đài Loan đang tiến hành rà soát các thủ tục để nhập lại trái thanh long Việt Nam sau thời gian tạm ngưng nhập khẩu. Đây là một trong những thị trường tiêu thụ trái thanh long rất mạnh, giá cũng khá tốt. Thị trường tiêu thụ Mỹ hiện nay vẫn ổn, nhưng hiện còn vướng là việc kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu vào thị trường này còn chặt chẽ, buộc lòng phải nâng cao chất lượng trái thanh long. Trên thực tế, lượng thanh long xuất khẩu đi Mỹ rất ít so với sản lượng trái thanh long của cả nước nhưng vẫn không đủ hàng xuất sang thị trường này do thiếu lượng hàng đạt yêu cầu về chất lượng và kích cỡ.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu thanh long năm 2011 (Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, 2011) |
Theo kinh nghiệm tham gia xuất khẩu trái thanh long nhiều năm, tiêu chuẩn tiêu dùng ở mỗi thị trường cũng khác nhau. Chẳng hạn Indonesia, Singapore, Trung Đông, thích trái nhỏ nhưng thị trường Trung Quốc, Mỹ, Canada… lại thích trái lớn. Gần đây, thị trường Nga, Ấn Độ đang mở cửa thị trường cho trái thanh long. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, sau khi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Chilê đã cho phép thanh long Việt Nam được nhập khẩu vào các quốc gia này. “Cần phát triển thêm nhiều mô hình trồng thanh long theo VietGAP để cho an toàn, vì nhiều thị trường tiêu thụ cũng đang hướng đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Mấy tháng nay, khách hàng đặt hàng đều đòi hỏi sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Tuy nhiên, thanh long ruột đỏ hơi bị “nguy hiểm” do giá thành cao và để không được lâu, chỉ khoảng 20 ngày kể từ ngày cắt, nên xuất sang các thị trường phải vận chuyển xa sẽ không đảm bảo chất lượng. Nếu số lượng diện tích trồng thanh long ruột đỏ dừng lại ở mức hiện nay còn có thể “sống” được, còn nếu phát triển thêm thì cũng không biết sẽ ra sao!”, ông Trần Hữu Danh nhận định.
Mừng nhưng cũng lo Sau một thời gian khai thông và mở rộng thị trường Mỹ, từ ngày 20/8, Mỹ sẽ cho phép một số mặt hàng trái cây của 3 nước Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam được phép đưa thẳng vào Mỹ để chiếu xạ trực tiếp tại nước này. Trong đó, Thái Lan có 5 loại trái cây, Ấn Độ 1 loại trái cây (xoài) và Việt Nam 1 loại trái cây (thanh long). Đây là điều Mỹ chưa từng tạo tiền lệ với bất kỳ loại rau quả nào của Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Lương Ngọc Trung Lập, đây là thông tin tốt cho trái thanh long, thể hiện lòng tin của thị trường Mỹ đối với trái thanh long Việt Nam nhưng cũng đặt ra những yêu cầu khó đối với việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu phải hết sức cẩn trọng về chất lượng trái thanh long trước khi xuất sang Mỹ, vì nếu không đảm bảo chất lượng ngoài việc ảnh hưởng uy tín còn phải chịu tổn thất đối với những lô hàng không đảm bảo chất lượng khi sang Mỹ. Tăng cường nhập hạt thanh long Ông Trần Hữu Danh cho biết, hiện nay một số nước đang đề nghị nhập hạt thanh long của Việt Nam. Khoảng 6 năm trước việc xuất hạt trái thanh long cũng được Công ty thực hiện khoảng 1 tấn hạt. Hiện nay, khách hàng đang hỏi mua với số lượng nhiều nhưng không biết để làm gì, có người nói mua để về trồng. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay một số đơn vị khác cũng đã xuất khẩu hạt thanh long ruột đỏ. Chẳng hạn như ông Phùng Nhật Phong, chủ trang trại thanh long ruột đỏ ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), đang sản xuất hạt thanh long thô để cung cấp cho một công ty của Pháp để chế biến thành dược liệu chống bệnh đột quỵ, lão hóa… Một kg hạt thanh long ruột đỏ có giá 3 triệu đồng. Trang trại sử dụng enzym để làm phân hủy trái thanh long, sau đó lấy hạt. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.