Trẻ phải ở nhà lâu ngày có thể bị nhiễu loạn tâm lý

Đối với trẻ nhỏ, đặc trẻ là trẻ dưới 6 tuổi, nếu không được đến trường sớm, không được phát triển toàn diện thì lớn lên sẽ bị khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bé Hải Nam (3 tuổi), con trai thứ 2 của vợ chồng chị Nguyễn Thúy Hường (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) ở nhà nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 gần 1 năm nay. Trước đây, khi còn đi học, bé rất hiếu động và nghịch ngợm, hay nói, hay cười. Tuy nhiên, sau một thời gian dài ở nhà, không được tiếp xúc với bạn bè, cô giáo, bố mẹ thì bận bịu với công việc, không có nhiều thời gian để chơi với con, tính khí của bé đã có sự thay đổi. Từ một cậu bé nghịch ngợm luôn chân, luôn tay thì nay cậu bé trở nên trầm tĩnh hơn, ít nghịch hơn, không nói nhiều nhưng hay hờn giận và cáu gắt mỗi khi bố mẹ làm việc gì đó không theo ý muốn của mình.

Cũng có sự thay đổi như bé Hải Nam, bé Châu Anh (5 tuổi), con anh Trần Hùng Vỹ ở Ba Đình (Hà Nội) nghỉ học ở nhà đã khá lâu. Trước đó, khi còn đi học, bé rất vui vẻ, thích học, thích được đến trường để gặp cô giáo và các bạn. Từ khi phải nghỉ học đến nay, bé không còn vui tươi như trước nữa mà ít nói hơn, suốt ngày chỉ chăm chú xem ti vi, Youtube. Bố mẹ bận đi làm, bé ở nhà với người giúp việc.

Anh Vỹ cho biết, do đặc thù công việc nên vợ chồng anh đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Sau khi làm hết mọi việc, anh chị chỉ có thể chơi với con được một lúc rồi lại đến giờ cho bé đi ngủ. Ở nhà lâu ngày, bé buồn chán và liên tục đòi đi học để được vui chơi với các bạn. Vợ chồng anh chỉ mong ngày trường học được mở cửa trở lại để bé được đến trường.

2
Trẻ phải ở nhà lâu ngày có thể bị nhiễu loạn tâm lý (Ảnh minh họa)

Sáu năm đầu đời rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Giao tiếp với bạn bè, cô giáo sẽ giúp các con phát triển cảm xúc, kỹ năng mềm, phát triển tư duy, ngôn ngữ, nếu phải ở nhà quá lâu, những kỹ năng sẽ bị mai một, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Đến nay, người lớn đã đi làm, mọi hoạt động đã diễn ra bình thường và đã xác định “sống chung với dịch bệnh”, do vậy, không có lý do gì để trì hoãn thời gian đến trường của trẻ nhỏ.Ở lứa tuổi mầm non, các con đã bắt đầu bước ra xã hội để phát triển, nhận biết cảm xúc người khác, tương tác với mọi người, tuân thủ kỷ luật, các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Khi trẻ đã quá quen với việc ở nhà, không cần giao tiếp thì mọi thứ sẽ “thui chột” dần dần, kỹ năng xã hội và giao tiếp của trẻ gặp vấn đề, trẻ sẽ chọn giải pháp né tránh, phản ứng khi được đưa ra môi trường mới.

Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia cao cấp của chương trình Đại học cao cấp, Đại học quốc gia Hà Nội, trong các gia đình, bố mẹ đều phải đi làm, nếu trẻ con không được đi học, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc trông con. Về phía con trẻ, nếu không được học ở trường thì trẻ sẽ vẫn được học, được dạy dỗ ở nhà, tuy nhiên, cách học ở nhà khác với cách học ở trường. Rất nhiều thói quen cô giáo đã hình thành được cho con sẽ bị mất đi khi con ở nhà quá lâu.

Bà Thoa cho rằng, trẻ mầm non có nhiều độ tuổi, từ 18 tháng đến 5 tuổi. Với trẻ ở giai đoạn cuối chuẩn bị bước vào lớp 1, nếu phải ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm quen, tiếp thu kiến thức. Với trẻ mẫu giáo nhỡ cũng vậy, nếu ko được đi học, các con sẽ thiếu nhiều kỹ năng để bước vào lớp 1 sau này, bởi có những việc chỉ có nhà trường mới làm tốt được.

“Nếu đã xác định cho con đến trường, gia đình, nhà trường cần kết hợp để tạo ra môi trường an toàn nhất cho con. Cùng với đó, giúp các con tạo được tâm lý tốt, ổn định. Đi học trở lại, trước tiên sẽ bước vào giai đoạn thích nghi, bố mẹ, cô giáo sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc giúp con làm quen trở lại với môi trường mới sau một thời gian dài nghỉ dịch ở nhà”, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, đối với trẻ nhỏ, đặc trẻ là trẻ dưới 6 tuổi, nếu không được phát triển toàn diện thì lớn lên sẽ trở thành một con người bị khiếm khuyết, què quặt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ phải được vui chơi, giải trí ở ngoài cộng đồng, được giao tiếp với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, được tiếp xúc với bạn bè, đó là quyền của trẻ em.

Gần 2 năm qua, dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, cho nên trẻ em phải ở nhà để phòng, chống dịch. Hiện nay, dịch vẫn bùng phát mạnh, nhưng theo tinh thần chung là “sống chung với dịch bệnh” thì trẻ em được đi học tập trung càng sớm càng tốt. Bởi ở trường học, các em bé sẽ tiếp tục được giao lưu với bạn bè, được tiếp thu các kiến thức cũng như kỹ năng từ thầy, cô giáo, được vui chơi giải trí để phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nếu trẻ ở nhà lâu ngày thì trước hết sẽ có vấn đề về tâm thần, đó là các vấn đề ám ảnh, rối nhiễu tâm trí do bị tù túng trong 4 bức tường suốt một thời gian dài. Ngoài ra, các ông bố, bà mẹ phải sắp xếp thời gian vừa đi làm, vừa trông con, do bận rộn có thể sẽ phát sinh những bức xúc, những vấn đề về tinh thần, thậm chí có thể trút lên đầu con cá, từ đó dẫn đến bạo lực, xâm hại con trẻ.

Giải đáp về tâm lý băn khoăn của các bậc phụ huynh chưa yên tâm khi cho con đến trường bởi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, ông Nguyễn Trọng An cho hay, sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4, theo thống kê trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam, tỷ lệ trẻ nhỏ bị mắc bệnh và nhiễm bệnh rất thấp, triệu chứng rất nhẹ và số lượng tử vong không cao.

“Các bậc cha mẹ và nhà trường chỉ cần giáo dục cho các con các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện tốt 5K, đồng thời, thường xuyên theo dõi sức khỏe của con mình, nếu phát hiện các triệu chứng bất thường thì đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Câu chuyện trẻ đi học trở lại, nếu chỉ đi học nửa ngày, ai nấu bữa trưa cho con, ai trông con buổi chiều… là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra và là một bài toán mà ngành giáo dục cần giải đáp và cần giải quyết vì vấn đề sức khỏe, thể chất và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.

Nguồn vov.vn