Triển khai các biện pháp ứng phó triều cường vượt mức lịch sử ở ĐBSCL
Đây là thông tin từ Cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT vừa cho biết vào sáng 23-10.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong thời gian qua, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên cao, kéo dài; đồng thời do ảnh hưởng của triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long tại các trạm Mỹ Tho, Mỹ Thuận trên sông Tiền và Cần Thơ trên sông Hậu đạt mức lịch sử.
Mặc dù các bộ ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc, triển khai các biện pháp ứng phó nhưng lũ và triều cường vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, cơ sợ hạ tầng, đặc biệt là diện tích cây ăn trái, thủy sản, hệ thống đê bao, bờ bao.
Dự báo cuối tháng 10 đến tháng 12-2018, khu vực hạ lưu sông Cửu Long còn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường với mức độ tương đương và cao hơn mực nước triều lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua.
Để chủ động ứng phó triều cường lịch sử, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố vùng ngập lũ tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em, học sinh; tổ chức giao thông an toàn trên sông nước, duy trì các điểm cứu hộ, cứu nạn; phòng tránh đuối nước, điện giật.
Huy động lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể và lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân, kịp thời cung cấp nước sạch, hỗ trợ người dân lương thực – thực phẩm…
Các tỉnh, thành phố ở vùng triều cường tổ chức cắm biển báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông; đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng chống điện giật, đuối nước… tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại khu vực đông dân cư bị ngập nước. Chủ động gia cố các khu vực có hệ thống đê bao, bờ bao thấp; vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước tại các khu dân cư, nơi có diện tích cây ăn trái, khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.