Triển vọng nông thôn mới ở ĐBSCL
Đầu năm 2014, người dân ĐBSCL đón tin vui: 4 xã đầu tiên của vùng được công nhận hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại Phước Long (Bạc Liêu), một trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng NTM, lãnh đạo huyện cũng vừa triển khai kế hoạch xây dựng NTM trong năm 2014 với nhiều giải pháp quyết liệt. Chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL đang chuyển biến tích cực.
Cú hích làng quê
Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã tổ chức công nhận xã Đại Thành (TX Ngã Bảy) đạt chuẩn NMT vào ngày 24-12-2013. Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay xã Đại Thành đã đạt 19/19 tiêu chí, với tổng vốn đầu tư trên 380,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 102,6 tỷ đồng. Điểm nổi bật của xã Đại Thành là sản xuất không ngừng phát triển, nhất là người dân đã biết liên kết, hình thành phương thức làm ăn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Đại Thành đạt 23,9 triệu đồng/người/năm (tăng 6,9 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo từ 7,7% giảm xuống còn 4,07%.
Đường giao thông nông thôn ngày một thông thoáng. Ảnh: THANH VŨ |
Sau Hậu Giang chưa đầy 3 tuần, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận xã Long Mỹ (huyện Mang Thít) đạt chuẩn NTM. Thành công của xã Long Mỹ là nhờ nỗ lực lớn của chính quyền cơ sở, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, các tiêu chí khó, xã luôn có cách làm sáng tạo và người dân nhiệt tình ủng hộ. Trong số 19 tiêu chí, khó khăn nhất với xã Long Mỹ là tiêu chí về môi trường. Quyết tâm thực hiện hoàn thành tiêu chí này, chính quyền địa phương đã vận động bà con xây hố chứa rác, đoàn viên thanh niên thực hiện ngày chủ nhật xanh, thực hiện hàng rào bờ hoa… Sau 3 năm vấn đề vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể.
UBND TP Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ công nhận xã Mỹ Khánh (thuộc huyện Phong Điền) và xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) là 2 xã đạt chuẩn quốc gia NTM đầu tiên trên địa bàn thành phố. Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng, đến nay, xã Mỹ Khánh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của Chính phủ và 20/20 tiêu chí của TP Cần Thơ giao. Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh cho biết: Hầu hết các tiêu chí về nông thôn mới được thực hiện đạt mức độ cao. Trên địa bàn xã không còn nhà ở tạm bợ dột nát. Toàn xã có trên 40 hộ sản xuất nông nghiệp có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Cơ sở sản xuất giỏ lục bình xuất khẩu ở Bến Tre. Ảnh: THANH VŨ |
Tại huyện Phước Long (Bạc Liêu), chương trình xây dựng NMT đang được đẩy mạnh toàn diện. Theo ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy, so với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, huyện Phước Long đã có 8/19 tiêu chí cơ bản hoàn thành, 5 tiêu chí gần đạt và 6 tiêu chí còn thấp. Đảng bộ và chính quyền huyện Phước Long đã chủ động ban hành đề án về xây dựng NTM phát triển toàn diện với 30 tiêu chí, trong đó có 8 tiêu chí về lĩnh vực kinh tế. Từ đó, huyện phát huy được tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất. Đến nay, kinh tế huyện phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt 15% – 16%; thu nhập bình quân 28,9 triệu đồng/người/năm, gấp 3,5 lần so với năm 2005.
Cuộc đua nước rút
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có 20% số xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đây là bài toán khó giải, dù đã có không ít thành công bước đầu ở một số địa phương. Quá trình xây dựng NTM không thể theo phong trào, mà phải là thực chất. “Muốn xây dựng được NTM, phải có người nông dân mới, người nông dân đó phải am hiểu, có kiến thức khoa học – kỹ thuật, tư duy của người nông dân cũng phải thay đổi”, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nêu ý kiến. Ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy (Hậu Giang) thẳng thắn nhìn nhận: “Bên cạnh những thuận lợi, xã Đại Thành cũng gặp một số khó khăn như chưa có sẵn mô hình xã NTM để Đại Thành học tập và làm theo, do đó trong quá trình xây dựng xã phải vừa làm, vừa tự rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, một số chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM khi đi vào thực tế không còn phù hợp phải kiến nghị thay đổi, điều chỉnh…”.
Theo lãnh đạo một số địa phương, cái khó nhất trong xây dựng NTM là làm thế nào nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Bến Tre có 124 xã xây dựng NTM. Hiện toàn tỉnh đã có một xã đạt 16 tiêu chí, 17 xã đạt 10 – 14 tiêu chí, 99 xã đạt 5 – 9 tiêu chí. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế liên kết nâng cao thu nhập người dân hiện chưa được nhân rộng đại trà do địa phương chưa có doanh nghiệp nào đủ lớn, có khả năng cung ứng trên diện rộng mà chủ yếu dựa vào doanh nghiệp ngoài tỉnh. Tỉnh chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp nên để nâng cao thu nhập người dân lên mức khá giàu rất khó!
Hạ tầng giao thông nông thôn mới ở Phước Long (Bạc Liêu). Ảnh: SONG HỶ |
Xây dựng cầu giao thông nông thôn tại huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh: Song Hỷ |
Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, các địa phương vùng ĐBSCL đã nhanh chóng vào cuộc và được người dân tích cực hưởng ứng với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, khẩn trương bắt tay kiến thiết lại nông thôn một cách căn bản hơn. Tuy nhiên, xây dựng NTM là một chương trình lớn, toàn diện và còn khá mới mẻ nên nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đó là nhận thức về NTM ở một số địa phương chưa sâu, chưa rõ; cơ chế, chính sách, hướng dẫn nội dung của một số bộ, ngành trung ương còn chậm, chưa kịp thời; các địa phương còn lúng túng trong cơ chế huy động nội lực, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng; trong tiếp cận và giải ngân các nguồn vốn ngân sách cấp. Tiến độ triển khai một số nội dung công việc còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong thực hiện các nội dung, mới chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà ít quan tâm đến các hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư…
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.