Triều Tiên công khai tên lửa đẩy vệ tinh
Trong một diễn biến hiếm thấy, CHDCND Triều Tiên đưa phóng viên nước ngoài đến tận khu vực mà nước này dự định phóng tên lửa mang theo vệ tinh.
Ngày 8.4, CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên đưa khoảng 30 phóng viên nước ngoài tới trạm phóng tên lửa Sohae, vốn được khởi công hồi năm 2007. Nằm cách biên giới với Trung Quốc khoảng 50 km, trạm Sohae là nơi Bình Nhưỡng dự định phóng tên lửa Unha-3 đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào không gian, theo Reuters. Quan sát từ khoảng cách 50m, các nhà báo mô tả lại rằng Unha-3 có màu trắng cùng các chữ màu xanh và được lắp vào bệ phóng nhưng không rõ Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng phóng vào thời điểm nào. Đến nay, giới chức CHDCND Triều Tiên mới tiết lộ chung chung rằng tên lửa sẽ được phóng từ 7 - 12 giờ (theo giờ địa phương) vào một ngày nào đó trong khoảng 12-16.4. Theo Reuters, tầng 1 và tầng 2 của Unha-3 sẽ lần lượt rơi ở vùng biển bán đảo Triều Tiên và vùng biển phía đông Philippines.
|
Ngoài ra, phóng viên cũng được “diện kiến” vệ tinh Kwangmyongsong-3 có 5 anten cùng bộ pin mặt trời. Trao đổi cùng báo giới, Giám đốc trạm Sohae Jang Myong-jin khẳng định việc phóng vệ tinh chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), theo AFP. Sau khi vào quỹ đạo, vệ tinh sẽ dùng để phát các bài hát ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành và lãnh đạo Kim Jong-il, quan sát trái đất, thu thập dữ liệu về rừng và tài nguyên thiên nhiên. Khi được hỏi tại sao Bình Nhưỡng phóng vệ tinh khi người dân còn nghèo, Giám đốc Jang trả lời với BBC rằng: “Nếu không tự phát triển công nghệ, chúng tôi sẽ trở thành nô lệ”. Ông cũng trấn an lo ngại tên lửa “bay lạc” khi cho biết: “Thông qua thiết bị theo dõi hành trình được đặt bên trong, chúng tôi sẽ chủ động nhấn nút tự hủy tên lửa nếu nó bay chệch hướng”. Ông cũng cho biết tên lửa Unha-3 nặng 91 tấn, cao 30m với bán kính 2,5m.
|
Trong khi đó, Kyodo News dẫn lời chuyên gia công nghệ quân sự Nhật Bản Tsutomu Taguchi hôm qua cáo buộc CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh thực chất là nhằm thử tên lửa tầm xa để “đe dọa các nước láng giềng, thậm chỉ cả Mỹ lẫn Úc”. Cùng lý do trên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục gây sức ép để CHDCND Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh dù Bình Nhưỡng bác bỏ mọi cáo buộc. Washington, Tokyo và Seoul điều động nhiều tàu chiến với hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn đến khu vực Hoàng Hải để kết hợp cùng các lực lượng tên lửa đánh chặn trên bộ. Ngược lại, Bình Nhưỡng ra lệnh toàn bộ lực lượng vũ trang, đặc biệt là các hệ thống tên lửa, sẵn sàng chiến đấu. Tất cả tạo nên một trận địa tên lửa nóng hầm hập ở Đông Bắc Á.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.