Trình 2 phương án cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án tổ chức Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào 20/10/2021.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đánh giá: Sau 9 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ nhất đã kết thúc rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo sự lan tỏa tích cực, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
2 phương án tổ chức kỳ họp Quốc hội
Ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, theo đó, việc tổ chức kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV cần được chuẩn bị, cân nhắc thật kỹ lưỡng về cả nội dung, cách thức tiến hành và các điều kiện bảo đảm để kỳ họp khai mạc đúng thời gian quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội trình 2 phương án để tổ chức kỳ họp thứ 2.
Ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Phương án 1 là Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ (nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp). Dự kiến bố trí thảo luận tổ về các dự án luật, các nội dung về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, dự thảo Nghị quyết về PVN.
Chia đại biểu Quốc hội tham gia 73 tổ thảo luận, trong đó: Khoảng 200 đại biểu Quốc hội ở trung ương chia thành 10 tổ họp tại Nhà Quốc hội; Các đại biểu Quốc hội ở địa phương thì 1 tổ/1 địa phương.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng phiếu. Việc gửi, nhận tài liệu liên quan (hồ sơ dự thảo nghị quyết, báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến,…) thông qua đường cơ yếu.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và 1 ngày dự phòng (Quốc hội làm việc 1 ngày thứ Bảy); phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 10/11/2021.
Với phương án này, Văn phòng Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện các điều kiện bảo đảm về kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phục vụ họp trực tuyến, nhất là đáp ứng được các yêu cầu về biểu quyết qua mạng, biểu quyết bằng phiếu; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng (Trung tâm công nghệ thông tin – Cơ yếu) để chuyển, nhận tài liệu qua đường cơ yếu.
Phương án 2 là Quốc hội họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt (dịch bệnh đã được kiểm soát tốt mới về họp tập trung).
Theo phương án này, dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày và dự phòng 1 ngày; trong đó, bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy.
Đợt 1 họp trực tuyến trong 11 ngày (từ 20/10 đến 2-/11); có bố trí thảo luận ở tổ (cách chia tổ giống phương án 1). Đợt 2 họp tập trung 6 ngày (từ 4 – 10/11); có bố trí thảo luận ở tổ như thông lệ.
Thông qua, cho ý kiến về 7 dự án luật
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Nghị quyết về Định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
5 dự án luật được cho ý kiến, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm thực thi các cam kết có liên quan của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP (có hiệu lực bắt đầu từ 14/1/2022), Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết, tại kết luận phiên họp thứ 57 (tháng 6/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm việc với Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất phương án xử lý; trường hợp cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự thì phối hợp chuẩn bị kỹ hồ sơ theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa có đề nghị cụ thể.
Về 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa thì Chính phủ đã gửi hồ sơ đề nghị trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 2. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầy đủ của các nghị quyết để gửi cơ quan thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 9/2021. Sau khi xem xét, nếu đủ điều kiện thì sẽ bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.