Trình Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)
Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đường sắt 2005 để đáp ứng mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt; đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đi lại của nhân dân; tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt nhằm gắn kết với đường sắt các nước trên cơ sở chia sẻ về mục tiêu, lợi ích, giá trị, nguồn lực và tuân thủ các quy định chung trong khuôn khổ các điều ước quốc tế.
Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ
về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). (Ảnh: TH).
Sửa đổi, bổ sung các chính sách, ưu đãi trong hoạt động đường sắt
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm: 09 chương, 95 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung các chính sách, ưu đãi trong hoạt động đường sắt (Điều 5, Điều 6): Chính sách, ưu đãi phát triển cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt; chính sách, ưu đãi về giá thuê đất đối với đất dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi đất dành cho đường sắt; chính sách, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư…
Lý giải cho việc sửa đổi, bổ sung các chính sách trên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết: Vấn đề ưu đãi phát triển kết cấu hạ tầng nói chung có quy định tại các Luật về: Đất đai, đầu tư, thuế và các Luật liên quan khác. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực đường sắt, nội dung ưu đãi, hỗ trợ vẫn còn rất ít, chưa được toàn diện và chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt. Luật Đường sắt 2005 chưa quy định việc đầu tư các công trình dịch vụ, thương mại hỗn hợp tại các nhà ga như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các công trình hỗn hợp tại các nhà ga đường sắt để tận dụng tối đa công năng sử dụng đất dành cho đường sắt tại khu vực này và tăng nguồn thu cho ngân sách.
“Để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt nhằm đáp ứng mục tiêu của Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt đã được phê duyệt, khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt, góp phần giảm giá thành sản phẩm đầu vào, tăng tính chủ động trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt” – Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Luật Đường sắt 2005 mới chỉ đưa ra nguyên tắc phân định công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp (khoản 4, Điều 4) mà chưa quy định rõ nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT đường sắt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong suốt 10 năm qua vẫn còn sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt. Do đó, dự thảo Luật lần này bổ sung các nội dung quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường sắt.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất.
Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt, công nghiệp đường sắt. Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, hiện nay, phương tiện giao thông đường sắt đang tồn tại chủ yếu là các phương tiện đã có thời gian sử dụng lâu, chất lượng kém ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, an toàn chạy tàu. Do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, an toàn chạy tàu, nâng cao thị phần vận tải đường sắt cần bổ sung quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt.
Dự thảo Luật đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế ≥ 200 km/h) với các điều chủ yếu quy định về: Chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.
Cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt
Thẩm tra về dự án Luật đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng đánh giá, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung so với Luật Đường sắt năm 2005. Tuy nhiên, Điều 1 Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Đường sắt năm 2005 là chưa thực sự hợp lý, chưa bảo đảm tính khái quát toàn diện các quy định của Dự thảo Luật.
“Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu thể hiện lại Điều 1 của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn, theo hướng vừa bảo đảm tính tổng quát nhưng vừa nhấn mạnh được những vấn đề đổi mới cốt lõi của Dự thảo Luật như: Kinh doanh đường sắt, chính sách phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, đường sắt tốc độ cao, trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về hoạt động đường sắt…
Về chính sách phát triển đường sắt, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các chính sách quy định tại Điều này. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông vận tải đường sắt (GTVTĐS) sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Do đó, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5, cần chỉnh sửa theo hướng ưu tiên đầu tư, nâng cấp, điều chỉnh phát triển mạng lưới đường sắt để giao thông đường sắt là yếu tố quan trọng trong việc kiến tạo hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, nhanh chóng bền vững, an toàn, hiệu quả và ít xâm hại môi trường; trước mắt, cần tập trung huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án giao thông đường sắt trọng điểm, các tuyến có khả năng sinh lợi cao, kết nối với các phương thức vận tải khác…
Dẫn kinh nghiệm một số nước cho thấy, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia phải gắn kết chặt chẽ và tạo nên sự đồng bộ với quy hoạch phát triển của các ngành vận tải khác, đồng thời tạo nên năng lực chủ lực trong vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tốc độ nhanh và trong toàn bộ vận hành của mạng lưới vận tải công cộng trên các đô thị lớn và nối kết liên vùng, kết nối quốc tế…
Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo phải thể hiện rõ hơn nội dung về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt theo hướng nêu trên, đồng thời bổ sung quy hoạch xây dựng nhà ga đường sắt, đặc biệt là các ga trung chuyển để thực sự trở thành đầu mối vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa và hành khách, quy hoạch giao thông công cộng đến các nhà ga để nâng cao hiệu quả hoạt động của đường sắt hiệu quả nhất.
Về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các quy định của Dự thảo Luật về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao bảo đảm việc triển khai xây dựng trên thực tế các loại đường sắt này theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam.
Tuy nhiên, đề nghị bên cạnh các quy định về chính sách phát triển, các quy định về quản lý, bảo trì, bảo đảm an toàn, các yêu cầu chung đối với việc xây dựng, kinh doanh đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, cần quy định những loại hình công nghệ sử dụng trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa các loại đường sắt này. Đề nghị bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh của nhân viên đường sắt; quy định về phương tiện giao thông đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị đáp ứng yêu cầu đặc thù của các loại đường này; đề nghị cần làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện; những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.