Trung Quốc, Mỹ dùng công nghệ chống hạn hán
Theo Bloomberg và Tân Hoa Xã, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã khởi động hai máy bay không người lái khổng lồ “gieo hạt” mưa ở phía Bắc và Đông Nam Tứ Xuyên vào hôm 25-8.
Trung Quốc đã từng nhiều lần sử dụng công nghệ này để tưới nước cho các cánh đồng, làm mát các thành phố căng mình trong nắng nóng và tạo một bầu trời thoáng mát cho các sự kiện như Olympic.
Một khu vực đặt pin mặt trời trong trang trại ở California. Sắp tới các tấm pin sẽ được đặt bên trên các con kênh Ảnh: REUTERS
Bang California – Mỹ cũng đang đối diện với đợt hạn hán tồi tệ nhất bủa vây miền Tây Bắc Mỹ, gây áp lực lên lưới điện. Nhằm đối phó với cả hai tình trạng, một dự án mang tên Nexus dự kiến khởi động ở quận thủy lợi Turlock từ giữa tháng 10. Dự án trị giá 20 triệu USD do nhà nước tài trợ này sẽ lắp đặt những tấm pin mặt trời khổng lồ che phủ các con kênh.
Theo nhà khoa học trưởng của Nexus Brandi McKuin từ Trường ĐH California Merced, việc che phủ các con kênh bằng pin mặt trời vừa đóng góp thêm cho lưới điện, vừa tận dụng được diện tích đặt pin, đồng thời ngăn bớt sự bốc hơi của các con kênh, giảm sự phát triển của cỏ dại và tảo dưới nước, tiết kiệm chi phí nạo vét kênh.
Nexus sẽ được thực hiện thí điểm ở 2 địa điểm. Một là một nhịp dài 152 m dọc theo phần cong của con kênh ở thị trấn Hickman, cách San Francisco khoảng 160 km đường bộ. Nhịp thứ hai dài 1,6 km ở Ceres gần đó. Kế hoạch này dựa trên một dự án tương tự ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ nhưng là lần đầu tiên được triển khai ở Mỹ. Hệ thống mới được kỳ vọng góp phần giúp California đạt mục tiêu năng lượng tái tạo là 50% sản lượng năng lượng sạch vào năm 2050 và 60% vào năm 2030.
Nguồn: NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.