Trung Quốc và những “chiêu trò” giả dối ở Olympic
Cán đích ở vị trí đầu tiên trong cuộc đua tại thế vận hội năm 2008 trên sân nhà, Trung Quốc đã chứng minh rằng với sự tăng tốc mạnh mẽ của mình họ đủ sức đe dọa vị trí độc tôn của Mỹ.
Thế nhưng, để có được khoảnh khắc chạm tay vào vinh quang quý giá ấy, thể thao Trung Quốc cũng nhiều lần phải đánh đổi thể diện bởi những chiêu trò gian lận của mình. Trước thềm Olympic 2012, chúng ta cùng điểm lại những vết nhơ trong lịch sử thể thao Trung Quốc tại các kì Olympic.
Những vụ bê bối doping
Trước tiên phải kể đến nghi án doping của đoàn VĐV bơi lội Trung Quốc từ những năm 90 – một trong 10 vụ bê bối doping gây chấn động nhất trong lịch sử thể thao thế giới.
Vào những thập niên 90 của thế kỉ trước, Trung Quốc bắt ngờ gia nhập nhóm cường quốc bơi lội khi mà đoàn VĐV của họ đã giành 4 HCV ở Olympic Barcelona 1992. 2 năm sau đó, họ tiếp tục bùng nổ khi mang về 3/4 số huy chương ở nội dung của nữ tại giải Vô địch thế giới năm 1994.
Bơi lội Trung Quốc có những bước tiến “đáng ngờ” nhiều năm qua |
Những thành công liên tiếp khi ấy đã làm dấy lên những hoài nghi về việc ĐT bơi lội nước này sử dụng các chất kích thích. Và người ta không phải chờ quá lâu để có câu trả lời bởi cũng trong năm đó, 11 VĐV đã cho kết quả dương tính trong một bài kiểm tra trước thềm ASIAD.
Kể từ năm 1990, đã có hơn 40 VĐV bơi lội của Trung Quốc không vượt qua được các bài test doping, cao hơn 3 lần so với bất kì một quốc gia nào ở giai đoạn ấy. Sau những vụ bê bối liên tiếp ấy, đoàn thể thao Trung Quốc chưa bao giờ tìm lại được vinh quang ở bộ môn này.
Không chỉ ở môn bơi lội, những năm 90 còn đánh dấu sự nổi lên bất ngờ của Trung Quốc ở môn điền kinh. Đội tuyển điền kinh của HLV nổi tiếng nghiêm khắc Ma Junren lúc bấy giờ được xem là niềm tự hào và là biểu tượng của một quốc gia đang lên như Trung Quốc.
Kiểm soát doping không hề đơn giản |
Sẽ không có gì đáng nói nếu như trước Olympic Sydney 2000, Trung Quốc không quyết định rút 27 VĐV trong đó có tới 6 học trò của Ma Junren ra khỏi danh sách đăng kí vì kết quả dương tính với chất kích thích. Sự việc lại một lần nữa dội một gáo nước lạnh vào tham vọng chinh phục Olympic của Trung Quốc cũng như cảnh báo về công tác chống doping của quốc gia này.
Bóng ma doping vẫn tiếp tục đeo bám thể thao Trung Quốc ngay cả trong kì Olympic gần nhất diễn ra trên chính quê nhà. Một cơ quan chống Doping Quốc gia đã ra đời nhưng vẫn chưa cho thấy hiệu quả hoạt động rõ ràng.
Đông Văn, nữ võ sĩ judo thành công nhất trong lịch sử thể thao Trung Quốc với 3 chức vô địch thế giới trong giai đoạn 2005-2009 và là nhà vô địch Olympic 2008 đã phải nhận án treo giò 2 năm cũng như bị tước 1 danh hiệu vô địch thế giới khi bị phát hiện dương tính với clenbuterol do sử dụng “ thịt lợn bẩn”.
Trước đó, Âu Dương Côn Bằng, vận động viên bơi ngửa hàng đầu Trung Quốc cũng đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn ngay trước thềm Olympic 2008 với lí do tương tự. Những vụ bê bối này đã lầm xấu đi phần nào hình ảnh của nhà vô địch trong mắt người hâm mộ.
Gian lận tuổi tác
Những cáo buộc liên tiếp về việc gian lận tuổi tác ở môn thể dục dụng cụ cũng là một trong những điểm tối của Trung Quốc ở các kì thế vận hội.
Là cường quốc số 1 ở bộ môn này, nhưng chính Trung Quốc lại là quốc gia tỏ ra không tôn trọng luật chơi. Theo quy định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thì các VĐV TDDC phải đủ 16 tuổi mới được tham gia thi đấu bởi họ lo ngại những VĐV nhỏ tuổi sẽ không chịu được sức ép khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần ở bộ môn này.
Gian lận tuổi là chuyện cơm bữa trong làng TDDC Trung Quốc |
Thế nhưng Trung Quốc dường như không quan tâm đến điều đó. Sự việc chỉ bị phơi bày ra ánh sáng khi Dong Fangxiao, VĐV từng đạt HCĐ Olympic 2000 đăng kí xin việc trong ban thi đấu môn TDDC ở Olympic 2008 với năm sinh thật của mình là 1986 thay vì 1983 như trước đây. Nghĩa là khi tham gia và giành huy chương ở Olympic Sydney, Dong mới 14 tuổi và nó đồng nghĩa với việc thành tích mà cô đã đạt được cách đây 8 năm bị hủy bỏ.
Vụ scandal này cũng làm báo chí phương Tây sôi sục khi họ liên tiếp đưa ra những bằng chứng cáo buộc 3 VĐV TDDC của Trung Quốc tham dự Olympic 2008 là Yang Yilin, He Kexin, Jiang Yuyuan khai man tuổi.
Mặc cho Trung Quốc đã đưa cả hộ chiếu của các VĐV nhưng nó vẫn chưa thuyết phục được công chúng cũng như các chuyên gia. Bela Karolyi, một chuyên gia đào tạo các nữ VĐV TDDC cho biết: “ Họ nghĩ có thể qua mặt được chúng tôi. Nhưng đây là công việc của chúng tôi và rõ ràng có sự khác biệt giữa 1 cô bé ở tuổi 14 với 15 hay 16. Luôn tồn tại một giới hạn giữa các lứa tuổi và nó có thể dễ dàng bị nhận ra”.
Ai cũng có thể nhận thấy những bước thăng tiến vượt bậc của Trung Quốc trong những năm trở lại đây, nhưng càng không thể phủ nhận họ đang sở hữu một bộ sưu tập phong phú những vụ gian lận đủ kiểu gây chấn động thể thao thế giới. Và đó là lí do vì sao, trước mỗi kì Olympic, người ta không chỉ trông đợi về thành tích của thể thao Trung Quốc và còn tò mò về những “chiêu trò” của họ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.