Trung ương thảo luận Chương trình làm việc toàn khóa XII
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị “Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương”.
Đây là yêu cầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong nội dung bàn về Chương trình làm việc toàn khóa tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
(Ảnh: Hiền Hòa)
Tổng Bí thư cho biết, căn cứ vào Nghị quyết, văn kiện Đại hội lần thứ XII và xem xét ý kiến đề xuất của các ban, bộ, ngành, địa phương và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương. Đây là công việc quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu nhiệm kỳ, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành Nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới mà Đại hội XII đã xác định.
Ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết những khâu cần đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu như: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ); đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…/.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.