Truyền dạy nhạc dân tộc Việt Nam trên đất Đức
Hơn 10 năm qua, cô giáo Trần Phương Hoa đã dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam cho nhiều thế hệ kiều bào ở Đức.
Cuối tuần nào cũng vậy, tầng 2 khoa Âm nhạc dân tộc của trường nhạc Schostakowitsch (Berlin, Đức) lại rộn ràng những bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Đây là lớp học nhạc cụ dân tộc Việt Nam do cô giáo Trần Phương Hoa làm chủ nhiệm với khoảng 70 học viên.
Lớp học này rất đặc biệt bởi học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ các ông bà 60-70 tuổi đến các cháu nhỏ từ 6-7 tuổi. Các cháu đều thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 chỉ nói được chút ít tiếng Việt. Người lớn thì có người đã nghỉ hưu, người đang đi làm trong cơ quan Nhà nước, buôn bán hoa quả, quần áo, hàng ăn, sách báo…nhưng tất cả đều một lòng say mê với âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Bà Giáp Thị Thọ đang chơi đàn |
Bà Giáp Thị Thọ (62 tuổi, hiện bán sách báo, hoa quả), hơn 3 năm qua, cuối tuần nào cũng đi tàu điện hơn 30km đến lớp học để đàn tranh. Từ bé, bà Thọ đã thích âm nhạc nhưng không có điều kiện học. Sau khi về hưu sang Berlin đoàn tụ cùng chồng con, bà mới có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên quyết định theo học đàn tranh. “Đây là niềm vui của tuổi già bởi ngoài chơi đàn cho tâm hồn thư thái, vơi bớt nỗi nhớ quê hương thì thi thoảng chúng tôi còn đi biểu diễn giao lưu cho cộng đồng người Việt và người Đức bản xứ xem”, bà Thọ nói.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Kỳ Sơn – Phạm Thanh Hà (đã nghỉ hưu) cũng tham gia học đàn bầu và đàn tranh đã được hơn 3 năm. Đến bây giờ, hai ông bà đã chơi thành thạo được nhiều bản nhạc như: Lưu thủy kim tiền, Người ở đừng về, Quê hương,…. “Già rồi mới đi học nên ban đầu không tự tin lắm nhưng chúng tôi được chị Hoa động viên, chỉ bảo rất tận tình. Điều quan trọng nhất khi đến lớp học này là chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhau dù mỗi người một nghề nghiệp, vị trí khác nhau”, ông Sơn cho biết.
Để có được lớp học nhạc cụ dân tộc giữa Berlin này, cô giáo Trần Phương Hoa đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết. Từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, giảng dạy ở Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội nhưng rồi chị Hoa phải theo chồng sang Đức định cư cách đây gần 20 năm. Vì nhớ nghề, chị đã nảy ra ý định dạy nhạc cho người Việt ở Đức và bàn với chồng, anh Lê Mạnh Hùng, xúc tiến triển khai.
Chị Trần Phương Hoa (trái) và anh Lê Mạnh Hùng (phải) cùng các học viên |
“Ban đầu, mình đến nhà của một số người Việt để dạy cho con em họ nhưng thấy công việc chưa hiệu quả, tầm ảnh hưởng không rộng. Sau đó, mình quyết định xin vào dạy ở trường nhạc Schostakowitsch để thêm nhiều trẻ em người Việt có cơ hội được học. Dần dần mình đã thuyết phục lãnh đạo nhà trường và đến tháng 4/2007, bộ môn nhạc cụ dân tộc Việt Nam chính thức được đưa vào giảng dạy ở đây. Nói thì ngắn gọn nhưng đó cũng là cả một quá trình rất bền bỉ, kiên trì trong gần 10 năm trời bởi Đức là một quốc gia có nền âm nhạc lớn trên thế giới nên họ không dễ dàng thừa nhận và đồng ý cho giảng dạy nhạc cụ dân tộc nước khác trong trường nhạc của họ”, chị Trần Phương Hoa kể.
Ngoài lớp học này, đến nay, chị Hoa đã mở thêm được một số lớp khác ở các trường rải rác quanh thủ đô Berlin để người Việt có thể đến học ở những địa điểm gần với nơi ở của mình. Không dừng lại ở việc dạy nhạc, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, anh chị còn giúp các cháu bé thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Đức hiểu rõ hơn về âm nhạc và văn hóa Việt Nam.
Các cháu bé thế hệ thứ 2, thứ 3 ở lớp học nhạc của cô giáo Trần Phương Hoa |
“Ngoài dạy nhạc cụ dân tộc, chúng tôi cố gắng dạy cả tiếng Việt để qua đó giúp các cháu hiểu phong tục, tập quán của người Việt mình. Có nhiều cháu bé khi đến đây nói được rất ít hoặc không biết nói tiếng Việt, dần dần, được chúng tôi dạy, được nói chuyện với tôi và các cô bác nên các cháu đã tiến bộ, nói được nhiều tiếng Việt và hiểu về gốc gác của mình hơn”, chị Trần Phương Hoa cho biết.
Từ những ngày đầu khó khăn, phải nhờ người mua từng chiếc đàn, chiếc sáo từ Việt Nam gửi sang, giờ đây, các lớp học nhạc của cô giáo Trần Phương Hoa đã có được cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh, mỗi năm thu hút hàng trăm người Việt và cả người Đức bản xứ đến học. Nhưng, điều đáng mừng hơn cả là có nhiều học sinh sẽ chọn chơi nhạc làm nghề nghiệp của mình và sẽ tiếp nối việc dạy nhạc dân tộc cho cộng đồng người Việt ở Đức.
“Chúng tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn ở các sự kiện của cộng đồng người Việt mình cũng như của chính quyền thành phố Berlin. Thông qua việc đi biểu diễn, chúng tôi cố gắng quảng bá âm nhạc Việt Nam, để người Đức và các cộng đồng khác hiểu hơn về âm nhạc và văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn nhất là tiếp tục mở rộng quy mô để các thế hệ trẻ gốc Việt hiểu về âm nhạc dân tộc nói riêng và cội nguồn quê hương nói chung. Hy vọng sau này, các cháu sẽ làm tiếp việc phổ biến âm nhạc, giữ gìn văn hóa và tiếng Việt ở Đức và các nước trên thế giới”, cô giáo Trần Phương Hoa bày tỏ./.
Ý Dịu – Công Hân/vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.