Truyền hình Internet: Cuộc cạnh tranh sòng phẳng
Keeng movies – dịch vụ xem phim trực tuyến có bản quyền vừa được ra mắt
Tại hội thảo “OTT – Tương lai của truyền hình” nằm trong khuôn khổ Telefilm 2018, báo cáo của bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng Giám đốc Kantar Media, nhấn mạnh tỷ lệ người sử dụng Internet hàng ngày tại Việt Nam hiện đạt 84% (số liệu ở 4 TP lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ). Đặc biệt, 45% dân số nằm trong độ tuổi từ 15 – 54 có xem nội dung truyền hình và video theo yêu cầu (VOD – video on demand), trong đó thị trường Hà Nội đạt mức cao nhất, 61,4%. Tỷ lệ sử dụng điện thoại của nhóm lứa tuổi này cũng đạt từ 90% trở lên. Sự phát triển của Internet băng thông rộng với kết nối 3G, 4G; sự phổ biến của smartphone, smart TV… là tiền đề quan trọng của sự dịch chuyển xu hướng xem truyền hình. Những con số tổng quan về thị trường OTT (Over the top – thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và các nội dung được cung cấp trên nền tảng Internet) Việt Nam cho thấy chúng ta không còn là những người đứng ngoài cuộc mà đang sống trong thế giới của OTT. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 30 sản phẩm OTT truyền hình của các đơn vị: VTV, VTC, K+, SCTV, FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy…
“Theo dõi bức tranh thị trường thế giới sẽ thấy sự dịch chuyển rất đáng kể và thị phần OTT ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng thể hiện sự sôi động với nhiều nhà cung cấp khác nhau đang cùng chia sẻ, phác thảo bộ mặt thị trường”, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24, nhận định. Cùng chung quan điểm đó, ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), cho biết: “Sự dịch chuyển từ xem tivi truyền thống sang Internet là điều tất yếu. Ngày nay, khán giả đặt yêu cầu: xem bất cứ khi nào muốn, vào bất cứ thời gian nào và bất cứ nơi đâu.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH BHD, cho biết, với ưu thế sản xuất nội dung và nhiều đối tác lớn, không có lý do gì để họ không tham gia thị trường này. BHD cũng là đơn vị sở hữu dịch vụ xem phim trực tuyến Danet. Bà Trần Thu Trang, đại diện FPT Play, chia sẻ, với lợi thế về mặt công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, đơn vị này cũng có trong tay không ít sản phẩm để phát triển thị trường. Mới đây nhất, Viettel Media cũng vừa cho ra mắt dịch vụ xem phim có bản quyền Keeng Movies với nhiều đối tác nước ngoài lớn: 20th Century Fox, NBC Universal, Warner Bros…
Áp lực cạnh tranh
Theo báo cáo tại hội thảo, năm 2017, nhiều OTT lớn trên thế giới như Netflix, Amazon, Hulu… đã đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất các nội dung độc quyền cho người xem. Khẳng định đây là cuộc chơi lớn, phải đầu tư rất nhiều tiền, bà Thu Trang cũng cho biết, việc có nội dung riêng biệt là điều bắt buộc. Đại diện VTV, ông Đỗ Thanh Hải khẳng định, ngoài những chương trình cho truyền hình truyền thống, phải có nội dung độc quyền cho nền tảng Internet nếu không muốn khán giả quay lưng. Đồng thời cũng là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, tài trợ. “Phải tìm cách sản xuất những nội dung vừa quen thuộc với truyền hình truyền thống, đồng thời phù hợp với nhu cầu khán giả thông qua phương thức mới”, ông Hải nhấn mạnh. Mới đây nhất, việc đầu tư sản xuất Người phán xử tiền truyện là một bằng chứng. Năm 2017, BHD cũng bỏ kinh phí sản xuất phiên bản Glee Việt Nam và chỉ phát trên Danet. Hai dự án Việt hóa Hậu duệ mặt trời và Vì sao đưa anh tới cũng đang được đơn vị này triển khai thực hiện.
Đề cập đến vấn đề cạnh tranh của OTT, bà Bích Hạnh nhấn mạnh đến sự khốc liệt của thị trường, bởi có rất nhiều yếu tố chi phối: giữa các đối tác OTT, giữa Việt Nam và đơn vị nước ngoài, vấn đề thuế và kiểm duyệt… Bà Hạnh đặt vấn đề, liệu có hay không sự cạnh tranh sòng phẳng? Theo báo cáo của Kantar Media về các nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu, tính theo lượng người sử dụng tại Việt Nam, có rất nhiều các website lậu không tốn chi phí sản xuất, tiền mua bản quyền… nhưng lại đang hưởng lợi lớn từ nguồn thu quảng cáo. Bên cạnh đó, việc các đơn vị kinh doanh OTT nước ngoài có phải đóng thuế hay không, cơ chế kiểm duyệt nội dung như thế nào… cũng là những câu hỏi lớn.
Về câu chuyện hành lang pháp lý, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh – truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT nhận định, trong bối cảnh phát triển hiện tại, khung pháp lý sẽ phải có nhiều thay đổi.
Khi được hỏi về số lượng người dùng Netflix tại Việt Nam, đơn vị này không tiết lộ. Ông Nguyễn Thanh Lâm đã yêu cầu Netflix phải báo cáo số liệu đầy đủ: “Các doanh nghiệp sẽ được đối xử trên một mặt bằng về mặt pháp lý, có thể hiểu được, chấp nhận được và nó không quá tạo lợi thế cho một pháp nhân, doanh nghiệp bất kể là quốc tịch, xuất thân nào”. Rõ ràng, việc làm thế nào để quản lý dòng tiền, thuế đối với các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới, nhất là trong bối cảnh các giao dịch không sử dụng tiền mặt gia tăng; khâu tiền kiểm, hậu kiểm nội dung, đang đòi hỏi khung pháp lý cụ thể và rõ ràng.
Trong khi đó, đề cập đến câu chuyện vi phạm bản quyền, ông Bùi Huy Năm nhắc lại, phía VTVcab hiện vẫn còn những vụ kiện chưa đi đến hồi kết. Nhiều đại biểu tại hội thảo cũng nêu rằng việc xử lý vi phạm tại Việt Nam còn nhẹ, không đủ sức răn đe, những thiệt hại mà các doanh nghiệp làm ăn uy tín gặp phải là vô cùng lớn. Phía Bộ TT-TT cho biết, đã có biện pháp cho vấn đề này, điều quan trọng nhất là sự kiên trì thu thập bằng chứng để việc giải quyết triệt để, tận gốc.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.