Từ 1/7, giá bán điện bình quân tăng 65 đồng/kWh

Giá điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đồng loạt được điều chỉnh, với mức tăng bình quân 65 đồng, tương đương 5% lên bình quân 1.369 đồng mỗi kWh (chưa bao gồm VAT).

Giá điện tăng khi chỉ số giá tiêu dùng thấp kỷ lục, nhưng sức mua của người dân giảm mạnh khi kinh tế suy giảm. Ảnh: Hoàng Hà
Giá điện tăng khi chỉ số giá tiêu dùng thấp kỷ lục, nhưng sức mua của người dân giảm mạnh khi kinh tế suy giảm. Ảnh: Hoàng Hà

Thông báo trên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi tối ngày 29/6, sau khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BCT Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện trong buổi chiều cùng ngày.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi tăng giá, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm từ 1/7 đến 31/12 là 56,8 tỷ kWh.

Giá cả 3 loại hình đều tăng theo quyết định mới, bao gồm cả điện dùng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc cao nhất là 2.192 đồng, thay vì mức cũ là 2.060 đồng. Giá điện sản xuất cao nhất áp dụng từ 1/7 sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng. Còn giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng.

Riêng giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp giữ nguyên 993 đồng.


VN cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện ngày 1/7 có tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh mỗi tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh mỗi tháng tăng chi 4.200 đồng mỗi tháng, sử dụng 150 kWh tăng chi 8.600 đồng, sử dụng 200 kWh tăng chi 14.050 đồng, sử dụng 300 kWh tăng chi 26.050 đồng, sử dụng 400 kWh tăng chi 38.950 đồng.

Quyết định tăng giá điện được đưa ra trong bối cảnh EVN thua lỗnợ đọng các đối tác hàng nghìn tỷ đồng. Đúng lúc này, chỉ số giá tiêu dùng cũng đang ở mức thấp kỷ lục suốt 38 năm qua. Một số ý kiến cho rằng có thể tận dụng bối cảnh này để điều chỉnh một cách hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu đang phải kìm nén lâu nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo CPI âm hiện nay chủ yếu do sức mua của người dân kiệt quệ vì kinh tế suy giảm, thu nhập của từng gia đình sa sút.

Sau khi tăng hơn 15% vào tháng 3/2011, giá điện tiếp tục tăng lần thứ hai trong năm vào ngày 20/12/2011, lên 1.304 đồng mỗi kWh, tăng 62 đồng, tương đương với 5%. Ngành điện cho biết, với mức tăng này, EVN thu thêm được khoảng 6.000 tỷ đồng và chỉ đủ bù lỗ cho chi phí môi trường rừng khoảng 700 tỷ đồng, chi phí nhiên liệu trong năm 2012. Còn khoản lỗ 10.000 tỷ đồng, EVN vẫn chưa thể giải quyết được.

Từ đầu năm đến nay, EVN nhiều lần nhấp nhổm xin tăng giá. Hồi tháng 3, “nhà đèn” khẳng định đang tính toán các thông số đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Tùy từng tháng, mỗi thông số đều có sự biến đổi nhất định, EVN sẽ căn cứ vào biến động này để cân nhắc thời điểm đề xuất tăng giá. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó vài ngày, Tập đoàn Điện lực đã ra thông báo khẳng định chưa đề xuất tăng giá điện. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhiều lần tránh câu hỏi về thời điểm tăng giá điện, chỉ trả lời “khi số liệu của EVN đã được kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giá điện mới được điều chỉnh”.

Cùng với việc tăng giá điện, các thông số đầu vào cơ bản được sử dụng cho tính giá điện áp dụng từ ngày 1/7 cũng thay đổi. Giá bán than cho điện tăng từ 10 đến 11,5% so với hiện hành. Giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau là 9,338 USD/triệu BTU được tính trên cơ sở giá dầu HFO là 720,96 USD/tấn. Giá dầu (sau thuế VAT): giá dầu DO là 20.897 đồng/lít, giá dầu FO là 18.116 đồng/lít. Tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ: 20.927 đồng/USD.