Từ giải Thanh Tâm đến Trần Hữu Trang: Những ngôi sao không tuổi
Trong 5 suất diễn của chương trình “Chút tình gửi lại nhân gian” do gia tộc Bầu Thơ tổ chức mới đây tại Nhà hát Bến Thành, khán giả đã được chiêm ngưỡng tài năng của NSƯT Thanh Sang ở tuổi 71 khi ông vẫn giữ được giọng ca trầm ấm, gieo nhiều cảm xúc qua 2 vai diễn: Trần Minh (vở Bên cầu dệt lụa) và Thi Sách (vở Tiếng trống Mê Linh). Giới chuyên môn đánh giá ông là nam nghệ sĩ có trường hợp ngoại lệ vì ở tuổi 71 vẫn đóng vai kép chánh. Nếu bên dàn đào ở độ tuổi này, 2 nữ nghệ sĩ Lệ Thủy và Phượng Liên vẫn đóng vai đào chánh thì duy nhất kép chánh đoạt HCV Thanh Tâm chỉ còn NSƯT Thanh Sang.
Thành “sao” từ kép lão
“Anh là ngôi sao không tuổi ở nhiều góc độ khiến các nhà chuyên môn phải giật mình. Thanh Sang đến với nghề bằng những vai kép lão, đoạt HCV Thanh Tâm năm 1964 khi mới 21 tuổi cũng với vai kép lão nhưng khi về chiều lại sáng danh là một kép chánh” – soạn giả – NSND Viễn Châu nói.
Năm đó, nghệ sĩ Thanh Sang thể hiện vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long (soạn giả: Hà Triều – Hoa Phượng) hay đến mức báo giới đặt cho ông biệt danh “chàng kép mang đôi hia bảy dặm”. Với NSƯT Thanh Sang, câu nói quen thuộc “đo ni đóng giày” trong giới sân khấu cải lương là một minh chứng. Thời đó, nhờ có chất giọng trầm ấm, phù hợp với những vai kép lão nên chỉ mới ngoài 20 tuổi, ông đã đóng vai cha của nhiều ngôi sao đương thời. Thế nhưng, điều đó không khiến ông nản lòng, vẫn bền bỉ bám sàn diễn. Khi được 2 soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng trao cho vai Tạ Tốn, ông thích thú, ngày đêm nghiên cứu để tìm cách thể hiện. Lý giải về vai diễn này, NSƯT Thanh Sang kể: “Tạ Tốn bị mù lòa, sống ở đảo hoang để bảo vệ thanh Đồ long đao mà giới giang hồ đang truy tìm. Mù nhưng lòng trong sáng. Nếu diễn mù mà nhắm nghiền đôi mắt thì chẳng có gì độc đáo. Nên suốt thời gian tập, cứ đến 12 giờ trưa, tôi ra ngoài sân nhìn thẳng về ánh mặt trời, để tập đứng tròng mắt. Hậu quả là đôi mắt tôi đã mờ dần nhưng tôi tự hào vì qua sự khổ luyện đó mình đã được trao HCV giải Thanh Tâm”.
Ngôi sao hy hữu
Trong số những nghệ sĩ cải lương đoạt giải Thanh Tâm trở thành ngôi sao tỏa sáng suốt 50 năm qua, phải kể đến một trường hợp hy hữu đó là nghệ sĩ Bo Bo Hoàng (SN 1949). Bà là nữ diễn viên thuộc lĩnh vực sân khấu cải lương tuồng cổ duy nhất có tên trong danh sách 24 nghệ sĩ từng được trao HCV giải Thanh Tâm. Bà đi lên từ vai đào con tên Bo Bo lúc mới 4 tuổi trong vở Tiếng trống sang canh.
Soạn giả Kiên Giang cho biết: “Từ khi đoạt HCV giải Thanh Tâm, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng đã nâng tay nghề mình lên một bậc. Chị tập tành sáng tác và đạo diễn, đồng thời truyền nghề theo phương pháp truyền đạt kinh nghiệm để làm cho chiếc HCV càng thêm tỏa sáng. Những năm đầu của thập niên 1960, chị đã nổi danh qua dĩa hát Bo Bo đánh cờ tướng với quái kiệt NSND Ba Vân do hãng dĩa hát Hoành Sơn phát hành; đến năm 1964, Bo Bo Hoàng về đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An, đã tiến bộ nhanh chóng về nghệ thuật ca diễn nên chỉ một năm sau thì đoạt HCV qua vai Đào trong vở Tiếng súng một giờ khuya”.
Về đường sự nghiệp, bà còn là một tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật, từng sáng tác thành công nhiều kịch bản nổi tiếng như: Nữ chúa rắn – Phò mã cùi, Long Vương kén rể, Nữ thần đèn, Nữ tỉ phú, Duyên nợ với nghề… Đặc biệt, bà rất thành công khi phóng tác và dàn dựng các vở tuồng mang màu sắc Ba Tư, Ấn Độ. Bà đã đạo diễn thành công kịch bản Bóng hồng sa mạc của soạn giả Hoàng Việt – Loan Thảo, mang lại doanh thu lớn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào năm 1998.
66 tuổi vẫn vững vàng đào chánh
Giải thưởng Thanh Tâm đã phát hiện những tài danh và là bệ đỡ vững vàng cho một số nam, nữ nghệ sĩ gắn cả đời với vị trí đào kép chánh. Trường hợp điển hình mà giới chuyên môn đều phải thán phục đó là sức diễn bền bỉ của NSND Lệ Thủy. Năm 14 tuổi, Lệ Thủy chỉ là một cô bé ca ngâm hậu trường trong gánh hát Trâm Vàng, qua phát hiện của soạn giả – NSND Viễn Châu, đã nhanh chóng được thính giả nghe dĩa hát chú ý bởi chất giọng lạ: kim pha thổ đặc sệt miền Tây. Từ con đường băng, dĩa hát, Lệ Thủy đến với sàn diễn, trở thành đào chánh của đại ban Kim Chung, gây nên những cơn sóng hâm mộ của khán thính giả. Qua nhiều đoàn hát, kết hợp với nhiều kép chánh: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Hải, Tấn Tài, Thanh Tuấn…, Lệ Thủy tạo nên sức hâm mộ cuồng nhiệt của công chúng một thời. “Bệ vững của giải Thanh Tâm chỉ là 50%, còn lại phải là nỗ lực của bản thân nghệ sĩ. Thời đó, cát- sê của Lệ Thủy tăng theo tháng. Bình thường không dễ gì mà ông bầu Long của đại ban Kim Chung chấp nhận việc tăng giá liên tục nhưng Lệ Thủy là ngoại lệ” – nghệ sĩ lão thành Kim Chưởng cho biết và thừa nhận bà đã từng có ý định bỏ ra gần cả mấy trăm triệu đồng thời đó để đưa Lệ Thủy về gánh của mình.
52 năm gắn bó với nghề, đoạt giải Thanh Tâm năm 1964, NSND Lệ Thủy tâm sự: “Ở tuổi 66, tôi còn đóng được vai đào, khán giả vẫn thương dù hình thể không như hồi thanh xuân là phước lớn của nghề diễn viên. Nỗ lực của tôi chính là cố gắng không làm mất đi danh dự người nghệ sĩ. Cảm ơn các soạn giả, các đạo diễn và tất cả các bạn diễn, cảm ơn hội đồng chấm giải Thanh Tâm đã nhìn thấy một tiềm năng để chắp cánh cho tôi bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật, tiếp tục thăng hoa với nghề cho đến tận bây giờ”.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.