Tứ kết World Cup 2014: Sự lên ngôi của đấu pháp!

Vòng tứ kết World Cup 2014 chỉ có vỏn vẹn 5 bàn thắng nhưng đó lại là bữa tiệc thăng hoa của đấu pháp và chiến thuật. Đó cũng là yếu tố khiến tính bất ngờ ngày càng giảm dần theo từng vòng đấu…

 

Bất ngờ là yếu tố không thể không xuất hiện ở các giải đấu lớn như World Cup. Ở giải đấu năm nay cũng vậy, đã có những cơn địa chấn xảy ra ở vòng đấu bảng, ví như thất bại của Nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha, chiến tích phi thường của Costa Rica ở bảng tử thần hay lời chia tay buồn tủi của Cristiano Ronaldo và đội tuyển Bồ Đào Nha.

 

Tuy vậy, khi giải đấu càng đi về giai đoạn nước rút, yếu tố bất ngờ càng giảm dần. Bằng chứng là ở vòng 1/8, 8 đội đầu bảng đều giành vé đi tiếp. Và tới vòng tứ kết, các ứng cử viên sáng giá nhất đều vượt qua các chướng ngại vật khắc nghiệt để chứng tỏ rằng họ đã sẵn sàng nâng cao chiếc cúp vàng thế giới. Nói như HLV Louis van Gaal “sẽ không còn yếu tố bất ngờ bởi 4 đội bóng giành vé vào bán kết đều xứng đáng với ngai vàng”.

Ảnh minh họa

Brazil tiến chậm chắc cùng triết lý thực dụng của Scolari

 

Thật vậy, Brazil dù chưa thể hiện được nhiều như sự kì vọng vẫn chứng tỏ được kinh nghiệm và bản lĩnh trước Colombia. Chiến thắng của Selecao là chiến thắng về đấu pháp của HLV Scolari, người nổi tiếng với triết lý thực dụng, trọng kết quả hơn sự đẹp mắt.

 

Trước một Colombia giàu tính chiến đấu và sự bùng nổ, Big Phil không cần tới màn tỏa sáng rực rỡ của các nghệ sĩ như Neymar, Oscar. Thay vào đó là 2 bàn thắng của cặp đôi trung vệ (Thiago Silva và David Luiz). Báo giới Brazil cho rằng đây là chiến thắng “tầm thường” nhưng nó lại thể hiện đầy đủ sự lạnh lùng của Scolari. Tính thực dụng của Selecao thể hiện ở 31 tình huống phạm lỗi, 28 cú tắc bóng (bên phía Colombia chỉ là 23 và 17).

 

Trước đó, Đức cũng thể hiện sự già giơ trong đấu pháp khi hạ đội tuyển Pháp với tỉ số 1-0, chiến thắng tối thiểu nhưng là quá đủ để Joachim Low viết tiếp giấc mơ World Cup. Cái hay của Đức là họ đã chịu đưa ra những thay đổi khiến dàn sao Les Bleus hoàn toàn bị bất ngờ. Đó là việc đẩy Philipp Lahm trở lại vị trí hậu vệ phải, sử dụng trung phong Miroslav Klose và kéo Jerome Boateng về trung tâm hàng thủ thay Mertesacker.

 

Với sơ đồ 4-3-3, Đức không kiểm soát bóng nhiều như các trận đấu trước (51%). Sự thay đổi này của HLV Joachim Low đã buộc Pháp phải đẩy cao đội hình tấn công. Đó là thời điểm để Mannschaft tung ra những cú đấm quyết định. Nếu các chân sút áo trắng dứt điểm hiệu quả, người Đức đã có thể có nhiều hơn 1 bàn thắng.

 

Xa hơn, người ta nhìn thấy sự thực dụng ở đội tuyển Đức. Đó là lối chơi phòng thủ khu vực, đập tan ý đồ tấn công của Pháp ngay ở khu trung tuyến. Bởi vậy, Les Bleus chỉ có vỏn vẹn 3 cú sút trúng đích, quá ít để họ có hi vọng đánh bại Manuel Neuer. Đội hay hơn về đấu pháp đã thắng và nó gọi tên Joachim Low.

 

Tương tự, Argentina cũng cho thấy sự vượt trội về đấu pháp khi hạ Bỉ ở vòng tứ kết. Đó là chiến thắng của HLV Alejandro Sabella, người đã bất ngờ sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với bộ đôi đánh chặn Biglia – Mascherano. Sự chắc chắn của hàng tiền vệ chính là yếu tố giúp Albiceleste đập tan mọi đường tấn công của đại diện châu Âu. Với Argentina, 1 bàn thắng là đủ để họ viết tiếp giấc mơ World Cup 2014.

Ảnh minh họa

Hà Lan tiến xa nhờ những thay đổi mang đậm tính chiến thuật của HLV Van Gaal

 

Tiếp đến, Louis van Gaal cũng cho thấy đẳng cấp cầm quân khi giải mã hiện tượng Costa Rica. Ở vòng bảng và vòng 1/8, nhà cầm quân này đã từng đưa ra những sự thay đổi người mang tính quyết định như Memphis Depay (trận gặp Australia và Chile), Huntelaar (trận gặp Mexico). Trận đấu vừa qua, ông lại thể hiện điều tương tự khi đưa Tim Krul vào sân ở phút 120. Và thủ thành của Newcastle đã xuất sắc cản phá 2 quả 11m của Costa Rica. Không ai khác, anh chính là người hùng đưa đội tuyển Hà Lan thoát khỏi cơn ác mộng từ cột dọc, xà ngang trong 120 phút thi đấu.

 

Tính tổng cộng, vòng tứ kết World Cup 2014 chỉ có vỏn vẹn 5 bàn thắng (trung bình 1,25 bàn/trận). Đây là tỉ lệ rất thấp nếu so sánh với những gì diễn ra trước đó, đặc biệt là ở vòng đấu bảng. Huyền thoại Diego Maradona gọi đây là vòng tứ kết “xấu xí”. Tuy nhiên, chính sự xấu xí ấy lại thể hiện rõ vai trò của đấu pháp và chiến thuật. Ở những trận đấu loại trực tiếp, đây chính là yếu tố quyết định sự thành bại.

 

Bởi vậy, vòng bán kết sắp tới sẽ là cuộc so tài rất đáng xem giữa các chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Đó là Luiz Felipe Scolari (Brazil), Joachim Low (Đức), Louis van Gaal (Hà Lan) và Alejandro Sabella (Argentina)…