Tự tin để mở cửa trở lại an toàn nhưng tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh
Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong dịp Tết, đồng thời chúng ta cũng có cơ sở để tự tin trong công tác phòng chống dịch, tự tin để tiếp tục mở cửa trở lại an toàn các hoạt động kinh tế-xã hội.
Sáng ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Cùng dự cuộc họp tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá công tác phòng chống dịch từ cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo, những vấn đề nổi lên cần lãnh đạo, chỉ đạo, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Mục tiêu là vừa phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong dịp Tết.
Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động, với mục tiêu đến hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi, trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vacccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Thủ tướng nêu rõ, biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta, nên chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong dịp Tết, đồng thời chúng ta cũng có cơ sở để tự tin trong công tác phòng chống dịch, với tỷ lệ người dân đã được tiêm vaccine và chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn, đúc kết được các phương châm, công thức phòng chống dịch.
Gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã nhấn mạnh phải ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch, phòng chống dịch hiệu quả thì mới yên tâm mở cửa trở lại tổng thể nền kinh tế.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 06 trường hợp phát hiện trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5), Hà Nội (1) và 160 trường hợp nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua 01 cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài – Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.
So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 4,1%, số tử vong giảm 13,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 7,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%, số ca tử vong giảm 7,5%, số ca khỏi bệnh tăng 6,2%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 3,4%, số ca nặng, nguy kịch giảm 11,6%. So sánh giữa tháng 01/2022 và tháng 12/2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 01/2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Nguồn: Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.