Tuần qua (30/8 – 6/9): Thế giới chao đảo vì “cơn bão” Syria

Thế giới trải qua một tuần (30/8 – 6/9) nhiều sóng gió với “cơn bão” Syria và cuộc tranh luận nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này vẫn chưa đi đến hồi kết. Bên cạnh những căng thẳng còn tồn tại, thế giới cũng chứng kiến nhiều diễn biến tích cực khi các quốc gia nỗ lực xích lại gần nhau hơn.


 

Vấn đề Syria làm “nóng ” hội nghị thượng đỉnh G20(Ảnh: AFP) 


Nan giải vấn đề Syria

Trong suốt tuần qua, vấn đề can thiệp quân sự vào Syria liên tục làm dấy lên những luồng dư luận và phản ứng khác nhau từ các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, ngày 5/9, dù không phải là chủ đề chính song hành động quân sự đối phó với Syria đã làm “nóng” chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Saint Petersburg (Nga) với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đến từ Mỹ, Canada, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Nga…

Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị, Thủ tướng Italy Enrico Letta khẳng định một kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria là “điều không mong đợi” đối với Italy và nước này sẽ chỉ ủng hộ hành động được Liên hợp quốc tán thành.

Từ thành phố New York, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power nói rằng Nga đang giữ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc làm “con tin”, rằng việc Nga bảo vệ chính quyền Assad đang “làm tê liệt” toàn bộ hệ thống Hội đồng Bảo an mà Nga có quyền phủ quyết trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Thủ tướng Anh David Cameron thông báo London đã có bằng chứng mới về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Các mẫu đất trên quần áo lấy từ nơi xảy ra vụ tấn công ở ngoại ô Damascus của Syria ngày 21/8 vừa qua cho kết quả dương tính với khí độc sarin.

Nga cho biết Ngoại trưởng Syria Walid Muallem sẽ đến thủ đô Moscow ngày 9/9, đúng vào ngày Tổng thống Mỹ tìm cách thuyết phục các nghị sỹ Mỹ thông qua kế hoạch của Washington về tấn công quân sự Syria.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần khẳng định nước này không tham gia bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào do Mỹ cầm đầu chống lại chính phủ của ông Assad, trong khi Nghị viện Anh cũng phản đối ý tưởng này.

Giáo hoàng Pope Francis kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria và tuyên bố phản đối việc theo đuổi giải pháp quân sự đối với vấn đề này.

Một quan chức cấp cao Trung Quốc khẳng định giải pháp chính trị là cách duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời kêu gọi các cường quốc “thận trọng cao độ” trong vấn đề này. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị G20, người phát ngôn phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh, chiến tranh không thể giải quyết được vấn đề Syria.

Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy thừa nhận tấn công bằng vũ khí hóa học là một tội ác chống lại loài người nhưng khẳng định không nên theo đuổi giải pháp quân sự đối với Syria.

Liên hợp quốc thông báo đặc phái viên của tổ chức này Lakhdar Brahimi sẽ dự các cuộc gặp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 để thúc đẩy đàm phán hòa bình. Liên hợp quốc dẫn lời Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói rõ việc cung cấp thêm vũ khí cho bất kỳ bên nào ở Syria đều không phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở quốc gia này.

Tại thủ đô Vilnius (Lithuania), trong phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen tỏ ý lấy làm tiếc về những chia rẽ trong cộng đồng quốc tế về vấn đề Syria. Ông thừa nhận khó đạt được thỏa thuận về vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi trước đó, ngày 4/9, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Muqdad tuyên bố nước này sẽ sử dụng “mọi biện pháp” để đáp trả bất cứ cuộc tấn công quân sự tiềm tàng nào do Mỹ cầm đầu.

Bạo lực vẫn còn tiếp diễn

* Ngày 1/9, một số vụ đụng độ và nổ lớn đã xảy ra tại một trại của người Iran lưu vong ở phía Đông Bắc thủ đô Baghdad của Iraq, khiến 44 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Giới chức Iraq đã ngay lập tức phản đối mạnh mẽ cáo buộc cho rằng Baghdad đã tiến hành một vụ tấn công vào khu trại này.

* Ngày 3/9, hàng loạt vụ đánh bom và xả súng đã xảy ra tại thủ đô Baghdad của Iraq với số thương vong lên tới hơn 200 người, trong đó ít nhất 56 người thiệt mạng và 170 người bị thương.

Thiện chí hợp tác giữa các quốc gia

* Ngày 3/9, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký Tuyên bố chung, nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiếc lược. Tuyên bố chung nêu rõ dù tình hình quốc tế và khu vực có thay đổi thế nào đi nữa, quan hệ giữa Trung Quốc và Turkmenistan vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cả hai nước.

* Ngày 4/9, tại phiên họp thứ 6 tiểu ban về các vấn đề an ninh thuộc Ủy ban liên quốc gia Nga – Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga đã và sẽ tiếp tục coi Ukraine là đối tác chiến lược. Đây cũng là cơ sở để xây dựng mối quan hệ song phương giữa bộ quốc phòng hai nước.

* Ngày 5/9, tại cuộc gặp giữa Tổng thống Myanmar U Thein Sein và nghị sỹ Hạ viện Nhật Bản, Chủ tịch Hội hữu nghị Nghị viện Nhật Bản – Myanmar, Ichiro Aisawa đang ở thăm Myanmar, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc phòng chống bệnh lao, HIV/AIDS và sốt rét. Trước đó, Cục Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đồng ý về việc cho Myanmar vay hơn 51 tỷ Yen (5,1 tỷ USD) trong tháng 6.

* Ngày 5/9, nhật báo Zaman (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời một quan chức nước này cho biết đàm phán hòa giải nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến triển tốt và có thể đạt được thỏa thuận trong tương lai rất gần.

* Ngày 5/9, hãng thông tấn Yonhap đưa tin Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí khôi phục đường dây nóng quân sự trên bờ biển phía Tây, mở đường cho việc nối lại hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong. Các quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết thỏa thuận trên đạt được trong cuộc đàm phán cấp tiểu ban liên Triều về các điều chỉnh liên quan tới thông tin liên lạc và cách tiếp cận khu công nghiệp chung Kaesong.

 

Hy vọng các nhà lãnh đạo mới sẽ giúp Mali ổn định trở lại sau hơn 18 tháng khủng hoảng
 (Ảnh: AFP)

Hy vọng từ những nhà lãnh đạo mới

* Ngày 3/9, các nghị sỹ Quốc hội vừa được bầu ở Zimbabwe tuyên thệ nhậm chức, trong khi Tổng thống Robert Mugabe chuẩn bị công bố danh sách nội các mới. Sau lễ tuyên thệ, Quốc hội với đảng Liên minh dân tộc Phi thống nhất Zimbabwe – Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) của ông Mugabe chiếm 2/3 ghế, đã bầu cựu tỉnh trưởng tỉnh Bắc Matabeleland, ông Jacob Mudenda làm Chủ tịch Quốc hội và ông Mabel Chinomona làm Phó Chủ tịch Quốc hội.

80 nghị sỹ Thượng viện cũng tuyên thệ với nghị sỹ đảng ZANU-PF, Edna Madzongwe tiếp tục giữ chức Chủ tịch Thượng viện và cựu Bộ trưởng Thông tin, nghị sỹ ZANU-PF Chen Chimutengwende được bầu làm Phó Chủ tịch.

* Sáng 4/9, Tổng thống đắc cử ở Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita tuyên thệ nhậm chức, cam kết nỗ lực đoàn kết đất nước, mang lại hòa bình và an ninh cho người dân, đồng thời bảo vệ nền dân chủ, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Ngày 5/9, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita đã bổ nhiệm ông Oumar Tatam Ly giữ chức Thủ tướng, bắt đầu tiến trình thành lập một chính phủ có nhiệm vụ đưa quốc gia Tây Phi này thoát khỏi khủng hoảng sau nhiều tháng rối ren chính trị và xung đột./.