Tục cúng gà ngày mùng 3 Tết
(THTG) Theo quan niệm dân gian, sau khi đã rước ông bà về ăn Tết vào ngày 30 tháng Chạp thì đến ngày mùng 3 Tết làm mâm cơm để tiễn ông bà. Trong mâm cúng ngày mùng 3, không thể thiếu con gà trống luộc được chọn lựa kỹ càng. Bởi theo quan dân gian, con gà tượng trưng cho 5 đức tính của người Việt: Văn – Võ – Dũng cảm – Nhân hậu – Trung Tín. Do đó, cúng gà để thể hiện sự tốt lành và cầu mong một tương lai tốt đẹp. Tục lệ này được con cháu duy trì cho đến ngày nay.
Tục cúng gà ngày mùng 3 Tết.
Nếu như những năm trước đây, việc chuẩn bị cúng mùng 3 tết là mẹ đảm nhận, nhưng năm nay tiếp nối truyền thống từ mẹ, lần đầu tiên thay mẹ cúng mùng 3 tết, nên chị Phan Thị Ngọc Yến, ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho khá lo lắng, nên từ sáng sớm chị đã đi chợ và chuẩn bị khá chu đáo. Ngoài gà, thì người dân còn cúng bánh tét, bia, nước, rượu, trái cây…. tùy theo điều kiện của từng nhà. Nhưng nhìn chung, mỗi người dân, mỗi gia đình đều mong muốn dâng lên tổ tiên một tấm lòng thành, ước mong năm mới gia đình bình an, con cháu làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn hơn năm củ.
Nếu như trước đây, nhiều người chủ yếu chọn gà trống, gà thả vườn, chân vàng để luộc cúng mùng 3 thì nay đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nhiều gia đình có thể chọn gà mái, gà công nghiệp, thậm chí nhiều gia đình chỉ cúng hột gà và nhiều loại bánh, trái cây …. nhưng dù là cúng vật phẩm gì, quan trọng vẫn là tấm lòng thành mà con cháu dâng cúng tổ tiên. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người Việt uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng tri ân với tổ tiên.
Thùy Trang – Võ Duy
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.