Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013: Những đổi mới tích cực

        Mùa thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 đã bắt đầu. Đợt 1 của kỳ thi sẽ diễn ra trong các ngày 4 và 5/7. Trong ngày 3/7, đã có 629.833 thí sinh đến làm thủ tục dự thi các khối A, A1, V tại 996 điểm thi trong cả nước, đạt tỷ lệ 74,65%. So với các kỳ thi trước, kỳ thi năm nay có những đổi mới tích cực.

 

Các thí sinh vừa hoàn thành thủ tục dự thi sáng 3/7 tại Trường Đại học
Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Kim Sơn

Giảm mạnh hồ sơ đăng ký dự thi

Theo thống kê từ Cục Khảo thí, Kiểm định chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tổng số hồ sơ nộp dự thi đại học, cao đẳng năm 2013 giảm gần 100.000 bộ hồ sơ so với năm 2012. Cụ thể, số hồ sơ nộp đăng ký dự thi năm nay ở khối đại học và cao đẳng tại các địa phương là 1.710.983 hồ sơ; trong đó, hồ sơ dự thi đại học là 1.343.656 hồ sơ (79%), giảm 6% so với năm 2012 (tương đương 100.000 hồ sơ).

Tỉnh Thanh Hóa là địa phương có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất cả nước trong các mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm trước, năm nay dẫn đầu cả nước về giảm số lượng hồ sơ với 16.000 bộ hồ sơ so với năm 2012. Tỉnh Nam Định cũng giảm mạnh với 9000 hồ sơ; Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cũng giảm 5.000 – 6.000 hồ sơ…

Ý kiến của nhiều người làm công tác tuyển sinh và giáo dục- đào tạo ở cấp trung ương cũng như địa phương cho đây là tín hiệu vui. Việc giảm mạnh hồ sơ đăng ký dự thi đã diễn ra ở hầu hết các địa phương cho thấy công tác tư vấn tuyển sinh (công tác phân luồng cho thí sinh) đã phát huy hiệu quả. Thí sinh đã có sự cân nhắc lựa chọn kỹ càng việc đào tạo nghề cho tương lai theo khả năng là lực học của mình, không đua theo phong trào; không lãng phí thời gian và tiền bạc chạy theo một mục đích ảo, không tương ứng với khả năng của mình.

Một số lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo ở địa phương cũng cho biết: Việc giảm mạnh số lượng hồ sơ ảo đăng ký dự thi đại học, cao đẳng cũng có nguyên do từ việc số lượng học sinh tốt nghiệp THPT năm nay giảm so với năm 2012. Bên cạnh đó, việc tăng lệ phí thi cũng buộc các thí sinh ngần ngại khi nộp nhiều hồ sơ dự thi…

Việc số lượng hồ sơ dự thi giảm mạnh cũng đồng nghĩa với việc thí sinh có cơ hội biết được số thực của tỷ lệ “chọi” ở mỗi trường để quyết định cho mình một hướng đi khả thi. Nhìn trên số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký thi vào các trường, tỷ lệ “chọi” của các thí sinh không đến mức “nghe mà sợ”. Trường Đại học Y Hà Nội, năm nay có 1.050 chỉ tiêu tuyển sinh, có 15.400 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ “chọi” là 1/14,6. Học viện Tài chính có 3.350 chỉ tiêu, có 10.000 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ “chọi” 1/2,98. Học viện Báo chí Tuyên truyền, có 1.550 chỉ tiêu, có 9.100 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ “chọi” 1/5,87. Đại học Ngoại thương Hà Nội, có 2.500 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký 8.500, tỷ lệ “chọi” 1/3,4…

 

Do mưa lớn nên sáng 3/7, nhiều tuyến đường ở Thái Nguyên bị ngập nặng. Bộ chỉ huy
quân sự tỉnh Thái Nguyên đã huy động 3 xe thiết giáp chở thí sinh và người nhà vượt
qua điểm ngập để kịp đến làm thủ tục tại các điểm thi. Ảnh: Thiều Chung-Báo Tuổi Trẻ.

Đề thi mở, chống học vẹt, học thuộc lòng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga không ngần ngại cho biết sự cải cách trong việc ra đề thi năm nay. Theo đó, phương châm chung là đề thi ra trong chương trình phổ thông, đặc biệt là trong chương trình lớp 12; tuy nhiên, năm nay có sự cải cách. Trước hết, Ban Đề thi được tăng số lượng là giáo viên phổ thông, chiếm đa số; điều đó sẽ tác động trực tiếp đến việc đề thi sẽ phù hợp với sức lực, trí lực thí sinh. Chắc chắn, đề thi năm nay không quá dài, không quá khó, phù hợp với học sinh phổ thông. Ban đề thi cũng có số lượng nhất định (không nhiều) giảng viên trường đại học, cao đẳng, có thể đánh giá được trình độ học sinh qua đề thi.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: Cấu trúc đề thi năm nay phần dễ tương đối nhiều và được chia nằm rải rác trong toàn bộ đề thi, không nhất thiết nằm ở câu 1 hay theo một thứ tự nhất định. Vì vậy, thí sinh cần chọn lựa câu nào dễ, hợp với sức mình thì làm trước; còn thời gian mới làm đến câu khó.

Đề thi các môn xã hội đổi mới theo hướng đề mở, đây cũng là cách chống học vẹt, học thuộc lòng trong thí sinh. Học sinh trước hết phải học và tư duy, lĩnh hội được ý tưởng, suy luận và áp dụng vào bài thi. Đề thi ra theo hướng mở nên tính chất ứng dụng cao, tạo cơ hội để thí sinh trình bày cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người. Mỗi thí sinh có thể có tư duy, năng lực riêng, áp dụng kiến thức cơ bản để thể hiện bài thi của mình hiệu quả nhất. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 với câu hỏi về em Nguyễn Văn Nam quên mình cứu bạn là một bài học kinh nghiệm về đổi mới ra đề thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng với những đổi mới trong ra đề thi, sự giảm mạnh số lượng thí sinh ảo, cách tính điểm sàn mới cùng với các nỗ lực khác của Bộ, công tác tuyển sinh năm 2013 sẽ đạt kết quả tốt. Thí sinh dưới điểm sàn tự nhận khả năng của mình là không thể học được đại học, cao đẳng, tìm cho mình con đường học nghề để mưu sinh trong tương lai. Phụ huynh cũng có thể hài lòng về con em mình đạt dưới điểm sàn, đi học nghề. Các trường sẽ bớt khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh.

Trong ngày 3/7, đã có 629.833 thí sinh đến làm thủ tục dự thi các khối A, A1, V tại 996 điểm thi trong cả nước. Đạt tỷ lệ 74,65% (tăng so với năm 2012 là 1,26%).

Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 có 24.311 phòng thi. Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh đợt này là 69.468 người.

Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh nhận phòng thi, nhận thẻ dự thi, sửa chữa những sai sót trong đăng kí dự thi, nghe phổ biến Quy chế thi.

Hội đồng tuyển sinh các trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Kịp thời xử lý, điều chỉnh các sai sót trong Giấy báo dự thi của thí sinh.

Thời tiết trong cả nước thuận lợi, khá mát mẻ. Tuy một số nơi do ảnh hưởng mưa bão gây úng ngập cục bộ nhưng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có phương án hỗ trợ thí sinh tới điểm dự thi.

Tại các địa phương không có hiện tượng ùn tắc giao thông lớn trong ngày làm thủ tục dự thi. Các điều kiện phục vụ tổ chức thi được chuẩn bị tốt ở tất cả các Hội đồng thi, điện, nước được cung cấp ổn định, thông tin liên lạc thông suốt.

Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện tiếp tục phát huy hiệu quả đối với việc hỗ trợ công tác tổ chức thi: tham gia hướng dẫn thí sinh đi lại, tư vấn nơi ăn, chốn ở, giúp thí sinh và người nhà đến địa điểm thi thuận lợi, phối hợp với lực lượng chức năng điều tiết trật tự, kịp thời giải tỏa ùn tắc giao thông.