UBND tỉnh Tiền Giang gặp gỡ các doanh nghiệp FDI, tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất sau Covid-19
(THTG) Ngày 26-10, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang và ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp.
Quang cảnh cuộc họp của UBND tỉnh với doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Trang
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, qua tổng hợp ý kiến của 29 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp tập trung kiến nghị 4 nhóm nội dung gồm: Kiến nghị lao động trở lại bình thường, công nhân tự túc di chuyển đến nơi làm việc của các doanh nghiệp; kiến nghị về việc di chuyển của lao động ngoài tỉnh, giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài; kiến nghị về y tế (xét nghiệm, vắc-xin); kiến nghị về các vấn đề an ninh, việc thực hiện hạn chế ra đường từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau…
Đại biểu nêu những vấn đề liên quan đến khôi phục sản xuất, tuyển dụng… Ảnh: Lê Long
Riêng tại cuộc họp, một số đaị biểu cũng đã nêu lên những vấn đề liên quan đến việc khôi phục hoạt động sản xuất, những vấn đề cần tỉnh hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động, đáp ứng các đơn hàng cuối năm, vấn đề tuyển dụng lao động…
Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận lại cuộc họp. Ảnh: Lê Long
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Chủ trương của tỉnh là sẽ từng bước mở hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng phải đảm bảo thận trọng và an toàn. Giai đoạn từ ngày 01-10 đến 31-10, tỉnh không chỉ thực hiện sản xuất phương án “3 tại chỗ” mà còn nhiều mô hình khác. Với việc chuẩn bị xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn từ 01-11: Tất cả các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, gắn với công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, thông qua các các mô hình, trước hết là mô hình “3 tại chỗ”. Nếu doanh nghiệp nào thấy đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” có hiệu quả, an toàn thì xây dựng phương án hoạt động. Phương án thứ 2 là tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày. Thứ 3 là kết hợp phương án “3 tại chỗ” và tổ chức cho lao động đi về hằng ngày. Những phương án này là do chủ doanh nghiệp tự quyết định, lựa chọn xây dựng phương án theo hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để đảm bảo quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, trên cơ sở đó, việc sử dụng lao động trước hết phải được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 hoặc F0 khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và ở vùng cấp độ 1, 2. Đối với người lao động ngoài tỉnh, UBND tỉnh cam kết với doanh nghiệp sẽ làm việc với các địa phương với tinh thần sớm nhất, sau đó sẽ thông báo cho doanh nghiệp.
Thùy Trang
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.