Ứng dụng công nghệ khí sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi: Hiệu quả đa chiều
Tiền Giang là một trong những tỉnh có đàn vật nuôi phát triển mạnh ở ĐBSCL với số gia súc trên 500 nghìn con, trên 5 triệu con gia cầm hàng ngày thải ra hàng trăm tấn chất thải gây ô nhiễm môi trường ở mức cao. Dự án chương trình khí sinh học triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2003 đến nay đã góp phần khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi ở nông hộ gắn với giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phụ phẩm phục vụ cho các ngành sản xuất khác, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tham quan mô hình ứng dụng khí sinh học vào đun nấu, chạy phát điện. |
Giảm tác động môi trường
Dự án chương trình khí sinh học cho chăn nuôi từ khi triển khai đến nay, Châu Thành đã xây được 744 công trình, qua đó đã xử lý chất thải cho hàng nghìn con vật nuôi. “Châu Thành là huyện có đàn vật nuôi phát triển mạnh trong tỉnh, chất thải từ chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi trong thời gian qua thông qua dự án chương trình khí sinh học do Hà Lan tài trợ đã mang lại hiệu quả đáng kể trong xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường” - ông Nguyễn Ngọc Hoằng, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Châu Thành cho biết.
Gò Công Tây có trên 100 nghìn con heo, 8846 con bò và trên 647 nghìn con gia cầm với tổng bình quân lượng phân từng loại gia súc, gia cầm thải ra một lượng rất lớn khoảng 260 tấn/ngày. Nếu không có biện pháp xử lý thích lợp, các chất thải từ chăn nuôi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái quanh vùng chăn nuôi, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất. Hơn nữa, Gò Công Tây nằm trong vùng Ngọt hóa, nguồn nước được vận hành dựa vào hệ thống kinh mương thủy lợi nội đồng chịu ảnh hưởng của quá trình xử lý phân gia súc, gia cầm rất lớn. Vì thế, dự án khí sinh học triển khai được huyện rất quan tâm. Qua 8 năm triển khai dự án, Gò Công Tây đã xây dựng 1.178 công trình, qua đó đã xử lý trên 100 tấn chất thải/ngày ra môi trường.
Đã từ lâu, môi trường chăn nuôi luôn được nhiều người quan tâm, đặc biệt ở những vùng nông thôn chăn nuôi phát triển, tập quán của người dân đưa chất thải chăn nuôi chưa xử lý ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án khí sinh học triển khai mang hiệu quả nhiều chiều thiết thực tạo được lòng tin của người chăn nuôi. Theo những hộ chăn nuôi tham gia dự án, trước khi có công trình khí sinh học, hộ chăn nuôi heo thường thải thẳng chất thải xuống ao nuôi cá, mương gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước rất nặng. Khi có công trình khí sinh học, chất thải chăn nuôi thải ra được xử lý bởi công trình khí sinh học sau đó đưa ra ao cá xử lý tiếp một lần nữa nên tác động của chất thải lên môi trường giảm đáng kể. Theo thống kê của dự án khí sinh học tỉnh, từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã xây 5.650 công trình khí sinh học ở 10 huyện, thị, thành đã xử lý chất thải từ 7,7-13,24 nghìn tấn/năm giảm thiểu phân của vật nuôi thải ra gây ô nhiễm môi trường; giảm thiểu phát thải khí nhà kính khoảng từ 34.499 đến 67.295 tấn CO2/năm.
Tăng hiệu quả kinh tế
Không chỉ xử lý chất thải từ chăn nuôi, các công trình khí sinh học còn được ứng dụng tạo năng lượng, sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí cho hộ gia đình. Khi được dự án khí sinh học hỗ trợ 1,2 triệu đồng, anh Phan Thanh Đáng, ấp Thạnh Lợi, xã Long Bình Điền (Chợ Gạo) tiến hành xây hầm khí sinh học 12 m3 vào tháng 4-2010. Bên cạnh xử lý chất thải cho khoảng 50 con heo, khí gas từ hầm khí sinh học còn sử dụng vào việc nấu ăn. “Gas từ hầm khí sinh học đã thay thế hoàn toàn nguyên, nhiên liệu phục vụ đun nấu của gia đình. Ước tính mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm khoảng 2-3 triệu đồng khoản tiền dùng cho đun nấu - anh Đáng cho biết.
Song song với việc ứng dụng đun nấu, trong các năm 2007, 2008, 2009, dự án đã tổ chức xây dựng 3 mô hình trình diễn sử dụng khí sinh học chạy máy phát điện với công suất điện 3 kw, 5kw và 7,5 kw tại 3 hộ chăn nuôi heo trên 50 con ở huyện huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo. Kết quả, công trình khi đi vào hoạt động có thể vận hành liên tục 6 giờ để thắp sáng đèn và chạy máy bơm nước vệ sinh chuồng trại, mỗi máy tiết kiệm khoảng 200.000 - 300.000đồng tiền điện/tháng. Hiện nay, các hộ chăn nuôi có quy mô trang trại đang tích cực ứng dụng mô hình này (khoảng 300 hộ chăn nuôi trang trại lắp đặt máy phát điện). Bên cạnh đó, bã thải khí sinh học làm phân hữu cơ tốt, cải tạo đất, giảm bớt việc sử dụng phân hóa học giúp cho sự phát triển ngành nông nghiệp ở địa phương, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể thời gian qua, dự án đã xây dựng 23 mô hình trình diễn sử dụng chất bã thải khí sinh học bón cho cây trồng (8 mô hình trên cây rau tại Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công; 14 mô hình trên cây ăn quả tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và 1 mô hình trồng cỏ chăn nuôi tại Tân Phước) cho kết quả rất tốt, biểu hiện cụ thể là cây xanh lâu, giảm được 20-30% lượng phân vô cơ bón cho cây trong một lần thu hoạch. Trái sau khi thu hoạch màu vỏ bóng đẹp, to và chất lượng trái khi ăn có vị ngon hơn đối với cây có trái không bón bã thải khí sinh học; sâu bệnh ít xuất hiện nên giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Còn khi bón bã thải khí sinh học cho rau và cỏ, lá có màu xanh bền và cây nhanh cho thu hoạch. Ngoài ra, dự án còn triển khai xây dựng mô hình sử dụng nước bã thải khí sinh học tưới lên thức ăn để nuôi trùn quế, trùn lớn nhanh, giảm chi phí thức ăn; sử dụng chất bã thải vào nuôi cá thịt tại thị xã Gò Công và ương cá giống ở Gò Công Tây. Chưa dừng lại ở đó, dự án còn triển khai mô hình thử nghiệm sử dụng bã thải khí sinh học làm thức ăn bổ sung cho heo thịt. Kết quả ghi nhận được, mô hình giảm được chi phí đầu tư thức ăn từ 10-14% (thời gian nuôi kéo dài từ 15-20 ngày).
Làm trong sạch môi trường, tạo nguồn năng lượng, làm phân bón sản xuất là những gì mà các công trình khí sinh học từ Dự án khí sinh học đã triển khai 8 năm qua mang lại, tạo được lòng tin của người chăn nuôi bởi hiệu quả thiết thực của nó. Dự án còn góp phần vào chính sách phát triển nông thôn, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng chăn nuôi ở nhiều loại hình và quy mô gắn với bảo vệ môi trường. Nguồn năng lượng được tái tạo từ quá trình xử lý chất thải trên, phụ phẩm dùng làm phân hữu cơ tốt, dinh dưỡng bón cho cây trồng giúp nâng cao năng suất, chất lượng rau, quả và cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh đã góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho lao động nông thôn…. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các công trình khí sinh học đã được xây dựng chỉ chiếm khoảng 10% số hộ chăn nuôi trong tỉnh, vì thế tiềm năng để phát triển công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi còn rất lớn. Thời gian qua, phần lớn các công trình khí sinh học của dự án chỉ giải quyết chất thải ở những quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ, hiện nay dự án do Hà Lan tài trợ đã kết thúc nhưng việc ứng dụng công nghệ sinh học này vào xử lý chất thải chăn nuôi sẽ vẫn tiếp tục với một dự án khác đang triển khai và tới đây, ngành sẽ hướng xây dựng các công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi ở quy mô trang trại.
Theo Văn phòng dự án khí sinh học tỉnh, bình quân mỗi hộ chăn nuôi có xây dựng công trình khí sinh học trong 1 ngày tiết kiệm được 10.000 đồng tiền đun nấu, cả năm tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng. Với trên 5.000 công trình đang vận hành tốt, hiện nay trong một năm sử dụng gas khí sinh học để đun nấu đã tiết kiệm trên 15 tỷ đồng. Nguồn năng lượng từ khí sinh học đã thay thế được 9.269 tấn phế phẩm nông nghiệp làm chất đốt, 12.324 tấn củi, 195 tấn khí hóa lỏng/năm. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.